Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:46

Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:46

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 11:10 ngày 27/11/2023

Nghiên cứu thử nghiệm công nghệ NeoWeb (Israel) trong làm đường ô tô chuyên dụng ngành mỏ tại các khu vực có nền đất yếu

Sử dụng vật liệu NeoWeb trong làm đường làm giảm lớp kết cấu chiều dày lớp móng đường tương ứng với giảm khối lượng bóc đất đá, cũng như phá núi lấy đá làm cấp liệu như cấp phối đá dăm loại I, II góp phần vào ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ngành khai thác than.
Nền đất đóng vai trò quan trọng trong tất cả các công trình nói chung và công trường mỏ nói riêng. Nền đất yếu có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của công trình, gây khó khăn trong quá trình chuyển chở nguyên vật liệu khối lượng lớn tại khai trường. Vì vậy, để đảm bảo cho các hoạt động của ô tô chuyên dụng tại đây, rất cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ để gia tăng sức tải và hạn chế độ lún nền đất kéo dài.
Trước yêu cầu có tính cấp thiết đó, Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin đã thực hiện đề tài độc lập “Nghiên cứu thử nghiệm công nghệ NeoWeb (Israel) trong làm đường ô tô chuyên dụng ngành mỏ tại các khu vực có nền đất yếu”. Đề tài do KS Đinh Văn Đỉnh làm chủ nhiệm.
Mục tiêu chính của đề tài là sử dụng vật liệu NeoWeb trong làm đường làm giảm lớp kết cấu chiều dày lớp móng đường tương ứng với giảm khối lượng bóc đất đá, cũng như phá núi lấy đá làm cấp liệu như cấp phối đá dăm loại I, II góp phần vào ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ngành khai thác than.
Tuyến đường từ kho than đến trạm bảo vệ số 5 Công ty than Hà Tu ban đầu (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Tiến hành thực hiện, nhóm tác giả khảo sát các tuyến đường ô tô chuyên dụng ngành mỏ tại các khu vực có nền đất yếu thuộc khu vực Quảng Ninh. Đồng thời, nghiên cứu công nghệ, thiết lập phương án thử nghiệm vật liệu NeoWeb trong làm đường ô tô chuyên dụng ngành mỏ.
Theo nghiên cứu, công nghệ Neoweb có cường độ chịu lực cao. Vật liệu chèn lấp trong kết cấu Neoweb rất linh hoạt, phụ thuộc vào các yêu cầu kỹ thuật của công trình, có thể sử dụng ngay vật liệu tại chỗ hoặc các chất thải của công trình. Tính năng vượt trội nhất của Neoweb là kiểm soát và chống xói mòn bề mặt. Tạo ra các giải pháp linh động để kiểm soát xói và bảo vệ bề mặt hệ thống kênh mương, mái đê, mái đập, bề mặt hồ chứa và mái dốc, mặt đường, móng đường.
San, rải vật liệu chèn lấp vào ô NeoWeb và đổ bê tông hoàn thiện đoạn thử nghiệm (Nguồn: Tạp chí Công Thương)
Do đó, nhóm nghiên cứu quyết định thi công thử nghiệm công nghệ NeoWeb trên 2 tuyến đường chuyên dụng với mặt đường BTXM (khu vực Cảng Làng Khánh) và mặt đường cấp phối (khu vực Hà Tu). Bên cạnh đó, theo dõi thường xuyên 2 tuyến đường thử nghiệm để đưa ra các đánh giá chi tiết về hiệu quả của công nghệ NeoWeb.
Kết quả, Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin đã xây dựng thành công 02 đoạn đường thử nghiệm (với chiều dài mỗi đoạn đường thử nghiệm là 100m). Đoạn đường số 1 tại ngã ba cụm cảng Làng Khánh với chiều dài 100m dùng kết cấu áo đường cứng bằng bê tông xi măng đá 1x2 mác 300cm. Đoạn đường số 2 từ trạm cân kho than đến trạm bảo vệ số 5 – Công ty CP than Hà Tu nằm trên tuyến đường vận chuyển than nội bộ từ Công ty than Hà Tu ra cảng Làng Khánh, chiều dài 100m với kết cấu áo đường mềm (mặt đường bằng cấp phối đá dăm loại I).
Tuyến đường sau khi hoàn thiện (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Về giá trị ứng dụng, công nghệ Neoweb mang lại hiệu quả cao, thời gian duy tu sửa chữa ít hơn theo cùng một thời gian sử dụng. Đồng thời, chi phí sửa chữa giảm từ 60-70% so với chi phí sửa chữa duy tu đường mỏ thông thường. Công nghệ cũng giúp giảm độ bụi và làm tăng ma sát mặt đường trong mùa mưa cũng như hàng ngày bơm tưới nước đẫm mặt đường, đồng thời giảm chi phí giá thành sản xuất trong khâu vận chuyển như giảm chi phí lốp xe, nhíp xe và một số phụ kiện đi theo…
Ngoài ra, công nghệ NeoWeb còn làm giảm lớp kết cấu chiều dày lớp móng đường tương ứng với giảm khối lượng bóc đất đá, cũng như phá núi lấy đá làm cấp liệu như cấp phối đá dăm loại I, II góp phần vào ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay nói chung và môi trường ngành khai thác than nói riêng. Về mặt môi trường, vật liệu mới NeoWeb thân thiện mới môi trường với độ bền cao, tái sử dụng lại cho một số tuyến đường chuyên dụng. 
Công nghệ Neoweb được tạo thành từ những tấm màng chống thấm HDPE xếp chồng liên tục và kết dính chúng với nhau bằng phương pháp hàn nhiệt với những khoảng cách nhất định, các tấm này sau khi được kết dính nhau thì khi kéo ra sẽ tạo thành các ô lưới. Hệ thống các vách ngăn cách, giữ và bảo vệ các vật liệu chèn lấp bên trong theo ba phương, tạo ra cường độ chịu lực cao trong từng phương.
Minh Khuê

lên đầu trang