Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:46

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:46

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 16:14 ngày 12/12/2023

Bảo đảm tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa đóng gói sẵn

Hàng hóa đóng gói sẵn vốn không có sự chứng kiến của người mua. Việc đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng đối với nhóm hàng hóa này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đo lường.
Chị Ngô Thị Thu Hương ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Hàng đóng gói sẵn rất thuận tiện nên tôi thường xuyên mua để phục vụ nhu cầu của gia đình. Khi mua hàng, tôi thường quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng của sản phẩm mà ít để ý tới trọng lượng ghi bên ngoài bao bì. Việc sản phẩm có ghi trọng lượng bên ngoài so với trọng lượng thực có giống nhau hay không thì chúng tôi cũng khó biết được…". Băn khoăn của chị Hương cũng là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay khi mua hàng đóng gói sẵn.
Khi mua hàng đóng gói sẵn, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ các thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Ảnh: Trà Hương
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất hàng đóng gói sẵn và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh, dịch vụ. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, cũng như bảo vệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính, Sở KH&CN đã chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh chủ trì, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn.
Từ năm 2022 đến nay, chi cục đã kiểm tra 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, thuộc các lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh phân bón; sản xuất sữa bột; siêu thị và bách hóa tổng hợp; kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Các lỗi phát hiện chủ yếu liên quan đến cách thức ghi lượng, chiều cao tối thiểu của số và chữ chưa đúng quy cách trên sản phẩm, chênh lệch nhỏ giữa trọng lượng thực tế với trọng lượng ghi trên bao bì...
Những hàng hóa này được lưu thông trên thị trường là vi phạm các quy định về đo lường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp áp dụng đúng, đủ. Do đó, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh yêu cầu các đơn vị vi phạm khắc phục sai sót.
Đồng chí Lê Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Quản lý đo lường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh cho biết: "Nguyên nhân của các vi phạm trên là do một số cơ sở chưa kiểm soát tốt quy trình đóng gói sản phẩm hoặc sử dụng phương tiện đo phạm vi lớn để định lượng hàng hóa khối lượng nhỏ; chưa chủ động, thường xuyên tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng".
Thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) trên địa bàn tỉnh và Chương trình đảm bảo đo lường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đã tham mưu Sở KH&CN trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1268 triển khai nhiệm vụ "Khảo sát tập huấn đào tạo, tư vấn xây dựng mô hình thí điểm hệ thống đảm bảo đo lường hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế".
Năm 2023, chi cục đã thành lập tổ thực hiện; tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê, lựa chọn các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường cho gần 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình đảm bảo đo lường 6 doanh nghiệp; hỗ trợ một số doanh nghiệp khảo sát, tư vấn, xây dựng kế hoạch bảo đảm hoạt động về đo lường.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Công Võ cho biết: "Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của doanh nghiệp. Hoạt động đo lường không chỉ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ được cung cấp, mà còn giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn nhiều, trong khi việc kiểm tra theo định kỳ của cơ quan chức năng còn ít. Vì thế, Sở KH&CN xác định, công tác tuyên truyền phải được thực hiện tốt để có thể ngăn ngừa vi phạm xảy ra".
Để thực hiện hiệu quả Đề án 996, Sở KH&CN là đầu mối, tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh; đào tạo nghiệp vụ đội ngũ cán bộ lĩnh vực đo lường; đầu tư phương tiện kỹ thuật kiểm tra chủng loại sản phẩm trong danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý về đo lường.
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường tỉnh trong công tác thanh, kiểm tra nhằm hạn chế tối đa các vi phạm về đo lường chất lượng hàng đóng gói sẵn; tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức và tham gia phòng chống hàng giả, hàng không đảm bảo về chất lượng; thực hiện quy chế ghi nhãn mác hàng hóa; quản lý và kiểm soát việc in ấn, nhập khẩu bao bì nhãn mác.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; đề xuất, kiến nghị những bất cập về tiêu chuẩn đo lường để được hướng dẫn, giải đáp kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Nguồn: baovinhphuc.com.vn
lên đầu trang