Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:29

Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:29

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:16 ngày 19/12/2023

Đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số

Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đề xuất mô hình Lean trong thời kỳ chuyển đổi sang công nghệ số và cơ chế vận hành của các thành tố trong mô hình để giúp các doanh nghiệp may triển khai áp dụng mô hình này nhằm nâng cao năng suất và chất lượng; tăng trưởng và phát triển bền vững trong mối tương tác giữa công nghệ số và sản xuất tinh gọn Lean.
LEAN là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục nhằm tránh lãng phí và bất hợp lý trong quy trình sản xuất. Phương pháp này tập trung vào việc nhận diện, loại bỏ các hoạt động không tạo thêm giá trị cho khách hàng, nhưng lại làm tăng chi phí trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ. Từ đó, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực, rút ngắn quy trình sản xuất và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. 
Phương pháp này bao gồm nhiều công cụ quản lý đã được đúc rút từ thực tiễn và hệ thống hóa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận phương pháp quản lý hiện đại. Ngoài ra, LEAN còn cho phép các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau có thể linh hoạt lựa chọn các công cụ và cách áp dụng phù hợp với đặc điểm và hiện trạng của doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu để ứng dụng thành công sản xuất tinh gọn Lean là hết sức cần thiết và cấp bách trong thời kỳ hiện nay. (Ảnh: ifactory.com.vn)
LEAN mang lại nhiều lợi ích là thế nhưng trên thực tế, LEAN lại chưa được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành may. Mặc khác, cũng có không ít doanh nghiệp đã áp dụng nhưng chưa thành công. Do đó, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các vấn đề đặt ra là cần xây dựng mô hình nào để triển khai ứng dụng sản xuất tinh gọn Lean vào các doanh nghiệp may trong thời kỳ chuyển đổi sang công nghệ số.
Để giải “bài toán” công nghệ trên, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số”. Đây là đề tài cấp Quốc gia do TS. Hoàng Xuân Hiệp làm chủ nhiệm, với mục tiêu: Xây dựng mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số và đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình tại doanh nghiệp may.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đề tài đã đánh giá được sự tác động lẫn nhau giữa công nghệ số và mô hình sản xuất tinh gọn Lean trong các doanh nghiệp ngành may. Theo đó, một số công cụ của Lean sẽ phát huy hiệu quả, mang lại năng suất, chất lượng cao hơn nhờ công nghệ số như: Heijunka, SW, Kaizen, Smed, Andon, Takt time, 5S, Poka - yoke, TPM. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất được mô hình ứng dụng Lean doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số với 12/14 công cụ có thể áp dụng trong bối cảnh chuyển đổi số (trừ công cụ Cell layout và 5S).
Phương pháp Quản trị tinh gọn - LEAN sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lượng, chất lượng (Ảnh: Vinatex)
Bên cạnh đó, nhằm triển khai áp dụng 12 công cụ của Lean chuyển đổi số tại doanh nghiệp may, nhóm đề tài đã xây dựng được chương trình đào tạo, giáo trình cùng với 01 bộ học liệu. Trong đó chỉ rõ các bước triển khai của từng công cụ; điều kiện triển khai; ưu nhược điểm trong quá trình triển khai; nội dung triển khai; cách thức ứng dụng công nghệ 4.0 trong từng công cụ; hiệu quả trước và sau triển khai từng công cụ. Đồng thời, nhóm đề tài cũng đã tổ chức và đào tạo được cho 500 sinh viên ngành may về ứng dụng Lean trong doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi sang công nghệ số.
Kết quả, đề tài đã thiết kế thành công 1 phần mềm Digital Lean. Phần mềm này được nhóm nghiên cứu phát triển dựa trên bộ các ứng dụng của Google - đó là Google sheet và Data Studio, kết hợp với các đoạn code viết riêng phù hợp với mục đích sử dụng. Phần mềm Digital Lean được viết chi tiết cho từng công nhân, từng công đoạn trong chuyền may với việc ứng dụng đồng thời 6 công cụ được chọn để triển khai thực nghiệm đã nói ở trên.
Thông qua phần mềm, công nghệ Lean 4.0 đã được triển khai thử nghiệm tại 3 doanh nghiệp và đạt các kết quả khả quan. Cụ thể, năng suất bình quân/chuyền tăng khoảng 8-10%; tỷ lệ hàng lỗi giảm khoảng 1% - 2%; giảm nhân sự cho công tác bấm giờ, rải chuyền, chuyển đổi sản xuất, kiểm soát đường chuyền đồng thời góp phần tăng doanh thu của chuyền khoảng 5% - 10%; tiền lương của người lao động tăng lên khoảng 5% - 6%.
Những kết quả trên không chỉ khẳng định năng lực của các nhà nghiên cứu mà còn tạo tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp ngành may Việt Nam áp dụng mô hình sản xuất Lean trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng với xu hướng phát triển của thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một kỷ nguyên số trong đó xu hướng chủ đạo là sự kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, internet kết nối vạn vật (IoT), RFID và điện toán đám mây. Nền tảng của cuộc cách mạng này là các đột phá của công nghệ số về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano.  
Tố Uyên

lên đầu trang