Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:56

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:56

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 09:06 ngày 16/01/2024

Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm trà và bột dinh dưỡng từ cây tam giác mạch Hà Giang

Thông qua công nghệ sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ cây tam giác mạch, Viện Công nghiệp thực phẩm kỳ vọng không chỉ đem đến những sản phẩm tốt sức khỏe cộng đồng mà còn tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc vùng cao tại tỉnh Hà Giang.
Xuất phát từ những lợi ích về kinh tế và xã hội do cây hoa tam giác mạch mang lại, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển cây hoa tam giác mạch theo hướng hàng hóa, đưa cây hoa tam giác mạch trở thành thương hiệu và là biểu tượng của ngành du lịch Hà Giang, nhất là vào các dịp lễ hội hoa tam giác mạch hàng năm. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chuyên sâu về tam giác mạch để cho ra đời các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao chưa được quan tâm đầu tư một cách bài bản. 
Hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có một vài công trình nghiên cứu công bố về thành phần các hoạt chất sinh học trong cây tam giác mạch như xác định hàm lượng rutin hoặc đang đặt vấn đề sử dụng tam giác mạch làm nguyên liệu sản xuất rutin cho dược phẩm. Xuất phát từ các lý do nêu trên, ThS Lê Bình Hoằng cùng các cộng sự tại Viện Công nghiệp thực phẩm đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm trà và bột dinh dưỡng từ cây tam giác mạch Hà Giang”.
Cây tam giác mạch được trồng nhiều ở vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang (Ảnh: VnEpress)
Mục tiêu chính của đề tài là xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm trà hòa tan và bột dinh dưỡng từ cây tam giác mạch (lá, hoa, hạt) nhằm tạo ra sản phẩm mới góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc vùng cao tại tỉnh Hà Giang.”, chủ nhiệm đề tài ThS Lê Bình Hoằng cho biết.
Với các nguyên liệu như: nửa thân trên của cây tam giác mạch, hạt tam giác mạch; Maltose, glucose, tinh bột biến tính; Gạo nếp, đậu xanh và vừng trắng đã bóc vỏ, muối; bột vi chất dinh dưỡng,.. nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và sử dụng công nghệ trích ly và sấy phun để cho ra đời các sản phẩm từ cây tam giác mạch.
Kết quả, sau 2 năm triển khai thực hiện, đề tài đã xây dựng được tiêu chuẩn nguyên liệu phù hợp để sản xuất sản phẩm trà hòa tan tam giác mạch và sản phẩm bột dinh dưỡng tam giác mạch. Đồng thời, xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất trà hòa tan tam giác mạch quy mô 100kg/mẻ và quy trình công nghệ sản xuất bột dinh dưỡng tam giác mạch quy mô 50kg/mẻ.
ThS. Lê Bình Hoằng - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu kết quả đề tài
Nhóm thực hiện đề tài cũng đã sản xuất thử nghiệm được 325,5kg trà hòa tan tam giác mạch (3.255 hộp sản phẩm) và 303,2 kg bột dinh dưỡng tam giác mạch (1.212 hộp sản phẩm). Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, sản phẩm trà hòa tan tam giác mạch và bột dinh dưỡng tam giác mạch đều đạt chất lượng tốt về mặt cảm quan và an toàn thực phẩm. Trà có trạng thái bột mịn, tơi xốp, bột trà tan hoàn toàn trong nước, màu sắc của dịch trà vàng nhạt trong, có vị hơi đắng chát, hậu vị ngọt; Bột dinh dưỡng tam giác mạch có trạng thái tơi xốp, màu sắc trắng ngà, có mùi thơm và vị đặc trưng của tam giác mạch.
Trong thời gian tới, nhóm thực hiện đề tài mong muốn tiếp tục được được nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và triển khai thử nghiệm sản phẩm trong cộng đồng để đánh giá mức độ ưa thích và khả năng chấp nhận sản phẩm. Từ đó ứng dụng 02 quy trình công nghệ đã nghiên cứu được của đề tài vào thực tế sản xuất ở quy mô lớn hơn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và phát triển kinh tế tại Hà Giang.
Cây tam giác mạch có tên khoa học là Fagopyrum esculentum Moench (Fagopyrum sagittatum Cilib), thuộc họ Rau răm Polygonaceae. Cây tam giác mạch được xem là cây bản địa được trồng nhiều ở vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang vì nó thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và bất lợi của địa phương, đặc biệt là vào vụ đông. Hạt tam giác mạch chứa 65-67% tinh bột, 10-11% protein, khoảng 2% đường khử, chất béo 3% và một lượng không nhỏ chất khoáng và các chất chống ôxi hóa. Các bộ phận của cây tam giác mạch đều chứa một loại glucozit là rutozit (rutin), đặc biệt là ở lá và hoa (hàm lượng rutin dao động từ 1-10%).
Cây hoa tam giác mạch được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực khi giáp hạt. Ngoài ra, hoa của loại cây này có vẻ đẹp tinh khôi tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước (từ màu trắng đến phớt hồng, hồng đậm hay hồng tím).
Minh Khuê
lên đầu trang