Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 02:02

Chủ nhật, 28/04/2024 | 02:02

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:52 ngày 18/01/2024

Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao

Với mong muốn bổ sung và cung ứng cho nông dân những giống lạc có năng suất và hàm lượng dầu cao, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu  đã thực hiện đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao
Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là tổ chức khoa học công nghệ trong lĩnh vực dầu thực vật và cây có dầu, định hướng phát triển những giống cây có hàm lượng dầu cao phục vụ cho ngành dầu thực vật. Viện có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của thế giới, có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng. Trong công tác chọn giống, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã cung cấp nhiều giống lạc cho năng suất cao tại phía Nam. 
Với lợi thế đó và thành công của những nghiên cứu trước đây làm tiền đề, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao” nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về vấn đề bổ sung và cung ứng cho nông dân sản xuất giống lạc có năng suất và hàm lượng dầu cao ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc, bổ sung mới vào bộ giống lạc hiện đang sản xuất, phù hợp với điều kiện canh tác vùng, tăng lợi thế về giá trị cây lạc; tăng lợi thế cạnh tranh với các cây trồng khác trong vùng. 
Mục tiêu chính của đề tài là chọn lựa ra 02 - 03 giống lạc có hàm lượng dầu >50%, năng suất >3,5 tấn/ha được công nhận sản xuất thử; Chọn lựa 05 – 10 dòng lạc triển vọng có hàm lượng dầu >50%; Chọn lựa 03 mô hình sản xuất giống lạc mới (05 ha/mô hình) đạt năng suất cao hơn 10% so với giống đại trà; Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác giống lạc mới được công nhận cấp cơ sở.
Sau 05 năm triển khai nghiên cứu, đề tài đã đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, thông qua việc đánh giá tập đoàn 50 mẫu dòng/giống tại phía Nam đã tuyển chọn được vật liệu 5 giống bố và 4 giống mẹ để tiến hành lai hữu tính và đánh giá, chọn lọc, so sánh xác định được 5 dòng lạc lai triển vọng gồm L1904-30, L1915-41, L1917-47, L1904-32 có hàm lượng dầu >50%, từ đó tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng và chọn được dòng lạc mới VD11 (đặt tên từ dòng L1904-32). 
Giống lạc VD11 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với vùng sinh thái, có năng suất đạt từ 3,51 – 3,81 tấn/ha cao hơn giống lạc đối chứng ở các địa phương 19,0% - 23,3%, hàm lượng dầu đạt từ 52,05 – 54,01% (cao hơn đối chứng từ 6,9% đến 9,4%) phù hợp đưa vào sản xuất tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Thuận.” chủ nhiệm đề tài TS. Lê Công Nông cho biết.
Nhóm thực hiện đề tài cũng đã đánh giá tập đoàn 60 mẫu dòng/giống ở phía Bắc đã chọn được 5 giống lạc xử lý đột biến và quá trình chọn lọc, đánh giá, so sánh xác định được 6 dòng lạc đột biến triển vọng có hàm lượng dầu >50% gồm L14-180/2, L27-220/2, L27-250/3, L29-200/4, SL-220/2 và TQV74-250/1. Từ đó tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng và chọn được dòng lạc LDT3 (đặt tên từ dòng L27-220/2) có các đặc điểm hình thái, sinh trưởng phát triển tốt, có số quả 3 hạt chiếm tỷ lệ cao, năng suất thực thu đạt 3,65 – 3,95 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 từ 12,0 – 16,5%, hàm lượng dầu >50% phù hợp để đưa vào sản xuất tại các tỉnh thành Vĩnh Phúc, Nghệ An, TP. Hà Nội.
Bên cạnh việc chọn giống, đề tài cũng đã xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống lạc VD11 ở các tỉnh phía Nam trong vụ Đông Xuân 2022-2023 và Hè Thu 2023 xác định thời điểm thích hợp khi gieo vụ Đông Xuân từ 1 - 17/12 và Hè Thu từ 2 - 18/5, mật độ 25 - 30 cây/m2 (1 hạt/hốc) và công thức phân bón 50 kg N/ha : 105 kg P2O5/ha : 90 kg K2O/ha thích hợp cho canh tác tại 3 tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Thuận đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế nhất.
Xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống lạc LDT3 thời điểm thích hợp khi gieo ở vụ Xuân là từ 10 - 20/2 và vụ Hè Thu từ 1 - 30/6, mật độ 35 cây/m2 (1 hạt/hốc) và công thức phân bón 50 kg N/ha : 90 kg P2O5/ha : 75 kg K2O/ha cho canh tác tại 3 tỉnh thành Vĩnh Phúc, Nghệ An và Hà Nội đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế nhất.
Kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài tại TP Hà Nội (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cũng đã xây dựng được 3 mô hình sản xuất giống lạc VD11 ở 3 tỉnh phía Nam (Long An, Tây Ninh và Bình Thuận) với quy mô diện tích 15ha (5ha/mô hình) năng suất đạt 3,54 – 3,71 tấn/ha, cao hơn so với mô hình giống lạc phổ biến tại địa phương (2,84 - 3,10 tấn/ha), đạt hiệu quả kinh tế hơn và phù hợp với điều kiện nông hộ. 
Theo TS Lê Công Nông, lợi nhuận từ việc canh tác giống lạc VD11 đạt 62.922.000 - 76.942.000 đồng/ha/vụ, cao hơn so với giống đối chứng canh tác theo quy trình tại địa phương từ 20.213.000 - 21.983.000 đồng/ha/vụ. Mô xây dựng 3 mô hình sản xuất giống lạc LDT3 ở 3 tỉnh thành phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An) đạt năng suất thực thu từ 3,60 – 3,70 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 (3,10 – 3,25 tấn/ha), lợi nhuận đạt từ 70.825.000 – 73.825.000 đồng/ha/vụ.
  Mô hình giống lạc VD11 tại tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Để nhanh chóng cung ứng cho nông dân các giống lạc có năng suất và hàm lượng dầu cao, nhóm nghiên cứu mong muốn trong thời gian tới tiếp tục phát triển sản xuất giống lạc VD11 và LDT3 tại các tỉnh phía Nam và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, sử dụng hiệu quả nguồn vật liệu sản phẩm của đề tài trong nghiên cứu phục vụ sản xuất đối với 10 dòng lạc triển vọng có hàm lượng dầu >50% (dòng lạc từ lai hữu tính L1904-30, L1915-41, L1917-47, L1904-32; dòng lạc từ đột biến L14-180/2, L27-250/3, L29-200/4, SL-220/2 và TQV74-250/1).
Theo số liệu thống kê, năm 2021 Việt Nam là quốc gia có diện tích sản xuất lạc đứng thứ 28 nước có diện tích sản xuất lạc lớn trên thế giới, năng suất đứng thứ 25 và sản lượng đứng thứ 17 trên thế giới (FAOSTAT, 2023). Diện tích trồng lạc ở Việt Nam chiếm khoảng 0,50 – 0,67% của thế giới và sản lượng lạc chiếm 0,79 – 0,95% của thế giới do năng suất lạc ở Việt Nam nhìn chung cao hơn năng suất lạc trung bình của thế giới từ 0,71 – 0,83 tấn/ha. Cây lạc tại Việt Nam được trồng khắp trên 7 vùng sinh thái, trọng điểm là Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, diện tích lạc trên cả nước biến động trong khoảng từ 165,2 – 195,6 nghìn ha, cao nhất vào năm 2017 là 195,6 nghìn ha sau đó có xu hướng giảm dần. Năm 2021, tổng diện tích trồng lạc ở nước ta giảm 30,4 nghìn ha (tương đương 15,5%) so với năm 2017. Sản lượng biến động từ 425,5 – 459,6 nghìn tấn, đạt cao nhất vào năm 2017 là 459,6 nghìn tấn và có xu hướng giảm do diện tích trồng bị thu hẹp trong giai đoạn này. Tuy nhiên, năng suất cây lạc trong giai đoạn này tăng liên tục biến động từ 2,35 – 2,60 tấn/ha.
Tố Uyên


lên đầu trang