Đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, ngành Công Thương Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.
Đồng bộ các giải pháp được triển khai
Thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp an toàn thực phẩm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, UBND Thành phố và đạt được nhiều kết quả.
Quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn đến người dân Thủ đô
Theo đó, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về an toàn thực phẩm thông qua 16 lớp tập huấn kiến với hơn 2.400 người tham dự, hơn 30.000 ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, băng rôn khẩu hiệu, tin bài tuyền truyền; tổ chức thanh, kiểm tra đối với 124 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính với 25 doanh nghiệp với số tiền 148 triệu đồng; triển khai Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ và Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn, qua đó đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn và cấp biển nhận diện cho 1.067 cửa hàng kinh doanh trái cây và 2.791 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm và điều kiện của Đề án.
Đặc biệt, xác định việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khâu đầu vào rất quan trọng, vì vậy, để mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những thực phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngành Công Thương Hà Nội đã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu hàng hóa hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện giao thương, hội chợ, tuần hàng, triển lãm, khảo sát kết nối đưa sản phẩm thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối trên địa bàn.
Theo đó, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố tham gia trên 45 hoạt động, sự kiện giao thương trên địa bàn Thủ đô; thông tin mời doanh nghiệp, phân phối trên 15 hoạt động, hội nghị giao thương trực tuyến và trực tiếp do các tỉnh, thành phố tổ chức; thông tin hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Hà Nội tham gia trên 20 sự kiện của các tỉnh, thành phố; thường xuyên hỗ trợ đoàn công tác các tỉnh tham gia hoạt động giao thương, khảo sát thị trường và làm việc với các kênh phân phối Hà Nội; duy trì giới thiệu, kết nối trên 5.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của 25 tỉnh thành, phố; duy trì và phát triển 106 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh…
Qua đó, hỗ trợ các đơn vị kết nối, tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm mỗi năm vào hệ thống phân phối tại Hà Nội tạo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, ổn định trên địa bàn Thành phố.
Kết nối chuỗi giá trị, mang nông sản thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng
Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, bám sát các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 319/KH-UBND ngày 26/12/2023 của UBND Thành phố về công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2024, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch, trong đó song song tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm như đẩy nhanh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, triển khai các đề án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm,…
Nhiều nông sản, thực phẩm an toàn các địa phương được kết nối, giao thương tại Hội chợ
Đồng thời, Sở Công Thương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng của các vùng sản xuất an toàn đưa vào hệ thống phân phối của thành phố Hà Nội.
Theo đó, hàng loạt các chương trình, sự kiện giao thương, kết nối sẽ được ngành Công Thương Hà Nội tổ chức triển khai từ nay đến cuối năm, cụ thể Hội chợ nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2024; hội chợ tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn 2024; lễ hội an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu; lễ hội trái cây năm 2024, các Tuần hàng trái cây nông sản thực phẩm và các sự kiện giao thương kết nối vào hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố.
Trong đó, từ ngày 31/5/2024 đến hết ngày 04/6/2024, Sở Công Thương tổ chức “Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024” tại Khuôn viên Trung tâm MM Mega Market Thăng Long (số 236 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).
Với quy mô 150 gian hàng của khoảng 100 đơn vị tham gia cùng nhiều chủng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP đã được kết nối tiêu thụ đến người tiêu dùng Thủ đô.
Bà Trần Thị Phương Lan nhận định, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là hành trình dài, không có điểm kết thúc. Thực hiện vai trò của cơ quản lý nhà nước trong công tác an toàn thực phẩm, chúng ta sẽ không chỉ dừng ở những giải pháp tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm… mà còn cần tập trung đến công tác phát triển thị trường, kết nối để đưa được các sản phẩm thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô.
Để làm được điều này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp trong việc tập trung sản xuất các sản phẩm an toàn; sự chung tay của các lực lượng chức năng để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường và sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô và cả nước.
Nguồn: Báo Công Thương