Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 27/06/2024 | 00:22

Thứ năm, 27/06/2024 | 00:22

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 09:42 ngày 18/06/2024

Thu thập, đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm

Viện Công nghiệp Thực phẩm đã thành công nghiên cứu, khảo sát, thu thập, bảo tồn và lưu giữ nguồn gen công nghiệp thực phẩm. Đồng thời, đánh giá nguồn gen và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo tồn nguồn gen này.
Nguồn gen cung cấp thông tin về sự đa dạng sinh học và các tính chất di truyền của các loài. Là cơ sở cho nghiên cứu về di truyền học, sinh thái học, và phát triển các phương pháp lai tạo để cải thiện các đặc tính quan trọng của cây trồng và động vật. Việc thu thập và sử dụng nguồn gen giúp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu của cây trồng và động vật trong nông nghiệp. Điều này làm giảm sự phụ thuộc vào các giống cây trồng hay giống vật nuôi hạn chế, từ đó tăng cường an ninh lương thực và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm là việc làm có tính cấp thiết (Ảnh: vista)
Là một trong những cơ sở hàng đầu của Việt Nam trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh vật, enzyme tái tổ hợp, ... Viện Công nghệ Thực phẩm đang bảo tồn và lưu giữ một nguồn gen quan trọng cho công nghiệp thực phẩm với trên 1000 chủng vi sinh vật có các ứng dụng khác nhau từ lên men rượu, bia, cồn, bánh mỳ, sản xuất axit lactic, axetic, chuyển hóa chất thơm, lipid, sinh kháng sinh, enzyme cho tới các ứng dụng trong bảo vệ môi trường, thức ăn gia súc, diệt trừ sâu bệnh.
Nhằm duy trì và phát triển nguồn gen vi sinh vật hiện có để tạo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp sinh học của đất nước. Nhóm nghiên cứu Viện Công nghiệp thực phẩm, đã thực hiện đề tài “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm”. Đây là đề tài cấp Bộ Công Thương thuộc nhiệm vụ khoa học và công nghệ thường niên. Đề tài do Ths Nguyễn Thanh Thuỷ làm chủ nhiệm.
Trong quá trình thực hiện đề tài, Viện đã tiến hành đánh giá tổng quan hoạt động thu thập và đánh giá gen vi sinh vật trong và ngoài nước. Phân lập chủng nấm men, nấm mốc chịu pH thấp và phân lập các chủng vi khuẩn lactic. Đánh giá 78 chủng nấm men chịu pH thấp bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 57 chủng bằng giải trình tự rDNA. Đánh giá các đặc điểm di truyền, đặc tính sinh lí, sinh hóa của 7 chủng loài mới Spencermartinsiella sp. Đồng thời, tiến hành đánh giá khả năng công nghệ lên men bia của 2 chủng nấm men.
Kết quả, sau một năm thực hiện, đề tài đã thu thập được 178 chủng vi sinh vật, trong đó, phân lập 85 chủng nấm men chịu mặn (sinh lipase, sinh protease); Phân lập 73 chủng nấm mốc từ bánh men (phục vụ lên men rượu gạo); Phân lập 20 chủng vi khuẩn (phục vụ ứng dụng sản xuất probiotics).
Nhóm thực hiện đề tài cũng tiến hành đánh giá nguồn gen của 85 chủng nấm men chịu mặn bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 11 chủng bằng giải trình tự rDNA; Đánh giá các đặc điểm di truyền, đặc tính sinh lí, sinh hóa của 6 chủng loài mới Moniliella, 1 chủng loài mới Yamadazyma; Đánh giá khả năng sinh lipase và protease của chủng nấm men chịu mặn (14 chủng có hoạt tính lipase và 13 chủng có hoạt tính protease); Đánh giá 73 chủng nấm mốc phân lập từ bánh men bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 13 chủng bằng giải trình tự rDNA.
Viện Công nghiệp Thực phẩm đã thành công nghiên cứu, khảo sát, thu thập, bảo tồn và lưu giữ nhiều nguồn gen công nghiệp thực phẩm (Ảnh minh hoạ - vietlab)
Bên cạnh đó, đánh giá khả năng sinh phát triển ở nhiệt độ khác nhau của 25 chủng nấm mốc bánh men: Đánh giá khả năng sinh enzyme amylase với cơ chất là tinh bột của 73 chủng mốc bánh men. Và khả năng thủy phân tinh bột của 25 chủng thuộc nhóm mốc khi có đường; Đánh giá khả năng lên men rượu từ các chủng nấm mốc và nấm men thuần (3 chủng nấm mốc, 2 chủng nấm men và giả men); Đánh giá đặc điểm sinh lý sinh hóa của 20 chủng vi khuẩn; Đánh giá khả năng lên men các nguồn đường khác nhau và đánh giá khả năng sống sót trong dịch dạ dày nhân tạo của 20 chủng vi khuẩn; Đánh giá khả năng làm tan máu và kiểu hình lên men của 20 chủng vi khuẩn lactic; Đánh giá khả năng bám dính của 2 chủng vi khuẩn trên màng nhầy ruột invitro.
Ngoài ra, đề tài cũng bổ sung được cơ sở dữ liệu cho 60 chủng, bao gồm: 20 chủng vi khuẩn; 20 chủng nấm mốc từ bánh men; 20 chủng nấm men (6 chủng thuộc 2 loài mới Moniliella; 1 chủng loài mới Yamadazyma vietnamensis; 13 chủng chịu muối).
Có thể thấy, việc thu thập và bảo tồn nguồn gen không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học mà còn hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và bảo vệ sự đa dạng sinh học. Do đó, để khai thác hiệu quả nguồn gen đặc thù của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, Viện Công nghiệp Thực phẩm mong muốn tiếp tục được thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về đặc tính di truyền, sinh hóa của chủng giống và ứng dụng mạnh mẽ các kết quả trong đời sống.
Minh Khuê

lên đầu trang