Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 07/09/2024 | 23:42

Thứ bảy, 07/09/2024 | 23:42

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 15:48 ngày 12/08/2024

Phối hợp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Kon Tum

UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Đồng thời, thống nhất sự chỉ đạo từ tuyến tính đến tuyến huyện, tuyến xã nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. 
Phối hợp xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tư pháp và các địa phương, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định, chỉ thị, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về an toàn thực phẩm của tỉnh. 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tư pháp và các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu góp ý dự thảo các văn bản do Sở Y tế gửi lấy ý kiến. Sở Tư pháp thực hiện chức năng thẩm định dự thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14. 
Hàng năm, các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có trách nhiệm xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý và gửi về Sở Y tế (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét. 
Phối hợp giáo dục, truyền thông về ATTP
Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị liên quan; các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế tổ chức thực hiện chương trình của Trung ương về thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm, cảnh báo mối nguy về an toàn thực phẩm; chú trọng tuyên truyền trong các đợt cao điểm như tết Dương lịch, tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, tết Trung thu. 
Việc thông tin, phát ngôn về sự cố an toàn thực phẩm cho các cơ quan thông tin đại chúng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Kon Tum hướng dẫn người dân ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. (Ảnh: baokontum.com.vn) 
Phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành
Thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan., UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tham gia phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo đề nghị của cơ quan chủ trì thực hiện.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp và đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Thực hiện theo đúng nguyên tắc, nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chủ trì việc thanh tra, kiểm tra phải thông báo bằng văn bản kết quả phối hợp thanh tra, kiểm tra cho cơ quan tham gia phối hợp. Đồng thời, thực hiện việc chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, các đơn vị liên quan từ lập kế hoạch đến thực hiện thanh tra, kiểm tra và kết quả thanh tra, kiểm tra để bảo đảm công tác phối hợp được thực hiện. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Trường hợp không thống nhất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh để xem xét, giải quyết. 
Cục Quản lý thị trường Kon Tum, Công an tỉnh tích cực phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh bảo đảm thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp và đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
Phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP và truy xuất nguồn gốc thực phẩm 
UBND tỉnh giao các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ động tổ chức thực hiện Chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. 
Khi phát hiện sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Sở, ngành khác vi phạm và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở quản lý ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và kết luận.
Các hình thức phối hợp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Kon Tum:
- Trao đổi thông tin bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản cho cơ quan liên quan. 
- Tổ chức hội nghị, hội thảo. 
- Trực tiếp trao đổi thông tin trong quá trình phối hợp triển khai các hoạt động như: tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, chỉ thị, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
- Trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo của các cơ quan, các đơn vị được giao làm đầu mối phối hợp và các đơn vị trực thuộc. 
- Cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; xử lý hoặc thông báo, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Xem chi tiết: tại đây

lên đầu trang