Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:37

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:37

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 13:47 ngày 19/02/2024

Công tác trọng tâm bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Kon Tum năm 2024

UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chương trình Công tác trọng tâm bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024. Chương trình nhằm quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), qua đó phát huy tính hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với mục tiêu tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ những nội dung, hoạt động cụ thể có trọng tâm, trọng điểm trong công tác bảo đảm ATTP, UBND tỉnh Kon Tum đã đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm ATTP năm 2024. Trong đó, chú trọng công tác nâng cao năng lực của hệ thống quản lý ATTP: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm ATTP; Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý ATTP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.  
Đồng thời, triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm ATTP thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ATTP, các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như thông qua các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức xã hội và các loại hình văn hoá quần chúng khác về sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thái độ của người tiêu dùng, chủ động không sử dụng các thực phẩm không bảo đảm ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 04 kiểm tra hàng hóa tết tại siêu thị Co.opmart Kon Tum (Ảnh: kontum.gov.vn)

Bên cạnh đó, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II, III, IV và theo đúng nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP quy định tại Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ (Nghị định số 15/2018/NĐ-CP); hậu kiểm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo quy định. Trong đó lưu ý, tiếp tục kiểm tra 495 cơ sở có vi phạm nhưng không xử lý mà chỉ nhắc nhở, theo báo cáo của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm (bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động) các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đoàn hậu kiểm của Trung ương khi hậu kiểm trên địa bàn.
Tỉnh Kon Tum cũng chú trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh, ATTP; Xây dựng, áp dụng các chuyên đề, mô hình tiên tiến đạt chuẩn về ATTP: Tiếp tục duy trì, xây dựng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị nông sản, thuỷ sản; xây dựng mô hình sản xuất nông sản, thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (như VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ Certified, Fairtrade,...) cũng như yêu cầu của các đối tác tiêu thụ và các thị trường xuất khẩu; xây dựng, vận hành mô hình chợ đầu mối, chợ truyền thống bảo đảm ATTP.
Ngoài ra, tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm ATTP; cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.
Tỉnh Kon Tum xác định các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2024 bao gồm:
- Không có vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người mắc trở lên.
- Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên 100.000 dân là dưới 07.
- Tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xếp loại A, B đạt 100% (bằng với năm 2023).
- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông sản, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP < 2% so với số mẫu được giám sát.
- Giảm số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ (so với năm liền trước).
- Thanh tra, kiểm tra 100% cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có nguy cơ cao gây mất ATTP.
Xem chi tiết: tại đây
Minh Khuê
lên đầu trang