Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 17:11

Thứ hai, 20/05/2024 | 17:11

Chính sách

Cập nhật lúc 09:52 ngày 19/05/2014

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Để nông nghiệp tăng trưởng ổn định, giảm phát thải khí nhà kính, tăng thu nhập cho người dân thì các giải pháp tổng hợp trong đó có ứng dụng công nghệ cao mang tính quyết định.

Mô hình trồng hoa Lili tại Bảo Lộc, Lâm Đồng

Mô hình trồng hoa Lili tại Bảo Lộc, Lâm Đồng

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp nông thôn, Ban kinh tế Trung ương cho biết, hiện Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang... Bước đầu đã hình thành một số mô hình làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, nuôi cá tra sạch tại đồng bằng sông Cửu Long.

Các công nghệ mới, quy trình sản xuất đồng bộ đã giúp nâng cao năng suất, ổn định giá thành và chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất đạt 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

Mặc dù vậy, hoạt động của các khu nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế do đầu tư chưa tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, lựa chọn công nghệ để sản xuất chưa phù hợp. Một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài nhưng chưa thành công.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (IPSARD), cần phải đẩy mạnh phát triển liên kết công tư ứng dụng cao trong nông nghiệp. Theo đó doanh nghiệp tự đầu tư và tự lựa chọn mô hình tốt nhất. Nhà nước thiết lập các quy chuẩn, thực hiện các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Còn TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD cho rằng, bước đột phá ở đây chính là cần thay đổi tư duy sản xuất và tư duy quản lý, hướng sản xuất tập trung vào cái thị trường cần và nâng cao giá trị gia tăng.

Theo CôngThương

 

lên đầu trang