Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 15:38

Thứ ba, 14/05/2024 | 15:38

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:56 ngày 12/06/2014

Công nghệ đồng xử lý chất thải: Công nghệ xanh cho ngành xi măng

Được thế giới công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường, công nghệ đồng xử lý chất thải đã được Công ty xi măng Holcim Việt Nam – doanh nghiệp (DN) đầu tiên trong ngành xi măng ứng dụng vào sản xuất.

Năm 2005, nhà máy xi măng Holcim Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang) bắt đầu thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng để xử lý chất thải. Với việc xử lý triệt để nhiều loại chất thải như trấu, chất thải công nghiệp từ các nhà máy sơn, may mặc… đến nay, lò nung xi măng Hòn Chông đã trở thành địa chỉ tiếp nhận một lượng lớn nguồn rác thải này từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Ông Nguyễn Công Đồng - Phó Giám đốc Geocycle Việt Nam (bộ phận xử lý chất thải của Holcim Việt Nam) - cho biết, công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng được công nhận trên thế giới là công nghệ thân thiện nhất với môi trường để xử lý nhiều loại chất thải nguy hại và không nguy hại. “Đặc biệt, việc đồng xử lý chất thải trong quy trình sản xuất xi măng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng của xi măng thành phẩm” - ông Nguyễn Công Đồng khẳng định.


Công nghệ đồng xử lý chất thải giúp xử lý chất thải và tiết kiệm một phần nhiên liệu

Lò nung xi măng của Holcim đang hoạt động tại Kiên Giang là một thiết bị có tác dụng tiêu hủy hoàn toàn các chất thải (bao gồm chất thải nguy hại và không nguy hại) mà không để lại tro. Bởi lẽ lò nung xi măng có đặc tính là nhiệt độ rất cao và ổn định, lên đến 1,450oC (2,652oF). Nhiệt độ này vượt cả yêu cầu tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu để xử lý chất thải nguy hại một cách an toàn. Bên cạnh đó, với môi trường kiềm cao, các khí axít từ quá trình đốt sẽ được hấp thụ hoàn toàn trong môi trường kiềm được tạo ra bởi đá vôi - nguyên liệu chính trong sản xuất xi măng. Vì thế, những ảnh hưởng tới môi trường từ các khí axít này sẽ được loại bỏ. Với những tính năng đó, công nghệ này xử lý được hầu hết các loại chất thải công nghiệp và nông nghiệp (trừ chất thải y tế, thuốc nổ, chất phóng xạ)… Để đảm bảo an toàn, toàn bộ chất thải phải được lấy mẫu, phân loại và kiểm tra nghiêm ngặt trước khi tiếp nhận để đảm bảo tính phù hợp với công nghệ đồng xử lý.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất của công nghệ đồng xử lý chất thải là sau khi rác thải được đưa vào thay thế một phần nhiên liệu lò nung, khí thải phải đảm bảo đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Ông Trần Thanh Lập, cán bộ phụ trách môi trường của Holcim Việt Nam - cho biết, song song với việc sử dụng công nghệ đồng xử lý chất thải để thu gom và xử lý chất thải, công ty còn đầu tư máy đo khí thải liên tục để giám sát các tiêu chí môi trường. Cho đến nay, mặc dù xử lý rất nhiều loại rác thải từ các nhà máy may mặc, giày da, xà phòng, thuốc trừ sâu, sơn... nhưng khí thải ra từ các ống khói của Nhà máy Xi măng Hòn Chông đều đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Công Đồng khẳng định: “Đặt phát triển bền vững làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của mình, công nghệ đồng xử lý chất thải là một trong những giải pháp công nghệ mà Holcim Việt Nam đầu tư để thực hiện mục tiêu đó. Đồng thời, Holcim Việt Nam luôn xác định, sản xuất theo hướng phát triển bền vững chính là “chìa khóa” cho sự thành công”.

Bảo Ngọc

 

 

lên đầu trang