Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 21:31

Thứ tư, 15/05/2024 | 21:31

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:00 ngày 23/05/2014

Công nghệ xanh cho ngành thuộc da

Nhiều DN thuộc da như Sài Gòn Tan Tec, Green Tech, Công ty thuộc da Đặng Tư Ký… đã áp dụng từng phần công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm nước và năng lượng. Đơn cử, Sài Gòn Tan Tec áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực thuộc da giúp tiết kiệm 40% năng lượng tiêu thụ, giảm 2.700 tấn CO2 thải ra môi trường, đồng thời giảm thiểu 50% lượng nước, 15% lượng hóa chất tiêu thụ trong quá trình sản xuất.

Ở Việt Nam, các cơ sở thuộc da đã có từ rất lâu. Doanh nghiệp (DN) thuộc da Việt Nam hiện được chia thành 2 nhóm: Nhóm bao gồm tất cả các  nhà máy thuộc da FDI và một số ít những DN thuộc da lớn trong nước; Nhóm bao gồm các nhà máy thuộc da vừa và nhỏ chỉ sử dụng da nguyên liệu trong nước cho sản xuất.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam: Đối với sản xuất da thuộc tại các DN lớn, DN FDI đa số đang áp dụng tiêu chuẩn, quy trình công nghệ của nước ngoài nên đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và hạn chế được lượng hóa chất độc hại còn tồn đọng trong sản phẩm thuộc da. Tuy nhiên, với các DN thuộc da làng nghề hiện vẫn sử dụng công nghệ ở mức thấp, lạc hậu…gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá cao.

Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, Viện Nghiên cứu Da - Giầy thuộc Bộ Công Thương đã đi đầu trong nghiên cứu công nghệ thuộc da theo hướng chiến lược phát triển xanh. Từ năm 2005, Viện đã triển khai nghiên cứu tái sử dụng chất thải crôm bằng phương pháp quay vòng trực tiếp và thu hồi crôm sa lắng, tiết kiệm hóa chất thuộc và giảm thiểu crôm trong nước thải. Năm 2006, Viện tiếp tục tiến hành nghiên cứu thành công phương pháp thuộc thảo mộc (thay thế chất thuộc crôm). Và trong năm 2006, 2007, Viện tiến hành nghiên cứu áp dụng công nghệ thuộc da sinh thái, sau đó phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm.

Ngoài nước thải, thuộc da còn tạo ra phế thải rắn chiếm tới 25% lượng da nguyên liệu…, do vậy, Viện nghiên cứu Da - Giầy tiếp tục nghiên cứu công trình Xây dựng mô hình tái chế chất thải rắn ngành thuộc da Việt Nam và nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết bị thuộc da sử dụng chế phẩm enzyme proteaza và lipaza. Kết quả kiểm chứng, chất thải rắn đã qua thuộc có thể dùng làm vải giả da, lót giầy, bìa carton….Đặc biệt, ô nhiễm môi trường giảm đi rất nhiều.

Sản xuất tại công ty Sài Gòn Tan Tec

Viện nghiên cứu Da - Giầy Việt Nam còn cùng Viện nghiên cứu Da Trung ương Ấn Độ tiến hành thực hiện nghiên cứu xử lý nước thải và áp dụng công nghệ sạch vào ngành công nghiệp thuộc da. Chuyên gia của hai viện đã cùng nhau nghiên cứu xây dựng thành công quy trình công nghệ sạch trong sản xuất, sản phẩm tạo ra đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu (EU Directive 76/769/EEC); nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ xử lý nước thải thuộc da, cụ thể hóa qua mô hình xử lý nước thải công suất 0,5m3/giờ. Nước thải sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT.

Ông Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Da - Giầy Việt Nam cho biết: Thành công của những nghiên cứu đã hoàn thiện và khẳng định được tính khả thi của công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc thân thiện với môi trường. Việt Nam từng bước nâng cao trình độ công nghệ, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và an toàn môi trường.

Tại Hội nghị phát triển ngành công nghiệp thuộc da, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, nhiều ý kiến thống nhất rằng: Trong giai đoạn tới chỉ tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp thuộc da với công nghệ thân thiện môi trường; Phối hợp với các địa phương thiết lập khu công nghiệp chuyên ngành, tập trung các doanh nghiệp thuộc da vào một nơi để đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển ngành thuộc da…

Thuộc da là quá trình biến đổi da sống thành da thuộc nhờ tác động cơ học và các loại hóa học khác nhau. Công nghệ thuộc da cũng gắn liền với việc tại ra các sản phẩm phụ và chất thải gây ô nhiễm môi trường.

 

Bảo Ngọc

 

lên đầu trang