Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 12/05/2024 | 17:47

Chủ nhật, 12/05/2024 | 17:47

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:32 ngày 15/07/2014

Phát triển khoa học công nghệ: Bắt đầu từ con người

Hàng năm, Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư khoảng 45 đến 50 tỷ đồng cho việc nghiên cứu, đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ. Các đề tài nghiên cứu đều gắn liền với sản xuất và khoa học công nghệ đã đóng góp đáng kể cho sản xuất - kinh doanh của TKV.

Các đề tài nghiên cứu của TKV đều gắn với sản xuất kinh doanh

Các đề tài nghiên cứu của TKV đều gắn với sản xuất kinh doanh

CôngThương - Từ năm 2009, TKV đã xây dựng Quy chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), trong đó quy định quỹ phát triển KHCN được hình thành từ nguồn lợi nhuận. TKV cũng xây dựng chương trình KHCN trọng điểm dài hạn. Trong đó đề cập nhiều vấn đề cần giải quyết như: hiện đại hóa các mỏ than, khoáng sản; phát triển công nghệ sàng tuyển; chế biến sau khoáng sản; phát triển sản xuất sạch hơn, an toàn hơn; nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KHCN; tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghệ thông tin…

Ông Kiều Kim Trúc - Phó ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển TKV

Dù đã rất cố gắng nhưng KHCN trong ngành khai khoáng của chúng ta rất lạc hậu so với thế giới. Vì vậy đòi hỏi cán bộ khoa học phải có trình độ ngoại ngữ, hiểu biết chuyên môn, tích cực tiếp xúc với môi trường bên ngoài, với internet, với thế giới để học những cái mới. Bởi con người là động lực, mục đích để phát triển và khi phát triển được con người thì các phát triển tiếp theo sẽ dễ dàng hơn. 

Cụ thể: TKV đã tập trung triển khai nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa mỏ như cơ giới hóa khai thác các vỉa dày độ dốc đến 350 bằng dàn chống tự hành chế tạo tại Việt Nam; nghiên cứu giải pháp công nghệ và thiết kế khai thác hỗn hợp hầm lò và lộ thiên; cơ giới hóa khai thác tuyển hợp lý cho các mỏ sắt, sản xuất kíp nổ vi sai phi điện an toàn hầm lò và áp dụng thử nghiệm…

Về phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sử dụng than, khoáng sản, đã triển khai nghiên cứu các công trình như lựa chọn dây chuyền công nghệ tuyển than phù hợp để phát triển bền vững ngành than; công nghệ khai thác và tuyển khoáng hợp lý quặng thiếc sa khoáng; tuyển than cám chất lượng thấp bằng thiết bị tuyển lốc xoáy…

Việc thiết kế chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, điện - tự động hóa cũng được quan tâm đặc biệt.  TKV đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu, thiết kế chế tạo như thiết bị đo lường tự động điều khiển dây chuyền công nghệ trong các nhà máy tuyển than và khoáng sản; cột và cụm xilanh thủy lực phục vụ sản xuất dàn chống tự hành trong công nghệ khai thác hạ trần thu hồi than nóc; bộ nguồn phòng nổ thông minh phục vụ cho các thiết bị điều khiển, đo lường và giám sát hoạt động trong khu vực sản xuất than hầm lò…

Theo ông Kiều Kim Trúc, phó ban Khoa học công nghệ và chiến lược phát triển tkv, khai thác khoáng sản là công việc hết sức nặng nhọc. Nếu áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất sẽ giảm được công lao động của công nhân, tăng năng suất lao động. Từ việc thủ công khiêng vác dùng tay đóng búa rồi chống các vì chống trong lò chợ thì nay cơ giới hóa chuyển sang bấm nút và chuyên chở bằng xe, máy. Tất cả cho thấy rất quan trọng đối với ngành than khoáng sản. Vấn đề an toàn lao động như cháy nổ, ngạt khí và các khiếm khuyến trong công đoạn sản xuất, khai thác, tất cả nếu được kiểm soát tự động sẽ đảm bảo được an toàn cho công nhân. Ví dụ các dàn chống cơ giới hóa đảm bảo không bị sập lò hay kiểm soát khí mỏ (tắt điện, thiết bị khi bị cảnh báo cháy nổ), tự động bằng chuông báo động giúp mọi người tăng hệ thống chống mỏ, thông gió và rút khỏi khu vực có nguy hiểm. Ngoài ra còn giúp giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Theo Báo Công Thương


 

lên đầu trang