Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 00:41

Thứ năm, 09/05/2024 | 00:41

Chính sách

Cập nhật lúc 10:53 ngày 05/02/2020

Tìm hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Nghiên cứu khoa học tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ANH SƠN
Tại Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” được tổ chức cuối năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, “sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển một quốc gia trong quá trình chuyển đổi”. Trong quá trình ấy, giáo dục đại học (GDĐH) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cấp học cuối, không chỉ trực tiếp cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, mà còn là “chìa khóa” cho sự thịnh vượng quốc gia.
Những chuyển động nội tại
Làm thế nào để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo ở bậc GDĐH? Làm thế nào để tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có được việc làm đúng chuyên môn và các cơ quan tuyển dụng không phải chật vật đào tạo lại? Câu hỏi này đã được đặt ra trong thời gian dài đối với các nhà quản lý ngành giáo dục và với mỗi cơ sở đào tạo trực tiếp. Điểm đáng ghi nhận, những sáng kiến đổi mới phương pháp dạy và học, những mô hình GDĐH mới đã xuất hiện ngày một nhiều hơn. Như một tín hiệu cho thấy đời sống thực tế đang đòi hỏi cách tiếp cận thực tế hơn và nhanh nhạy hơn trong xây dựng chính sách.
Sau khi tham gia khóa học “Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của Đại học Quốc gia Hà Nội theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp ĐMST trong sinh viên” (gọi tắt là VIBE), rất nhiều giảng viên, giáo viên đến từ các đơn vị đã mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học và không ngừng kết nối, mang đến một không khí đổi mới sáng tạo đầy hào hứng.
IDEAL - tên một nhóm các nhà giáo dục ĐMST và khởi nghiệp được thành lập đầu năm 2018, là một trong nhiều nhóm giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội mạnh dạn lựa chọn một định hướng riêng để thúc đẩy tinh thần ĐMST, khởi nghiệp, đổi mới phương pháp giáo dục. Tiếp đó, TECHNO-IDEA, một câu lạc bộ do TS Lê Thanh Huyền, giảng viên Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) sáng lập. CLB hoạt động dựa trên nguyên tắc thực hành là chính, học tập qua “giáo dục trải nghiệm”. Loại hình này đã mang phòng thí nghiệm đến với từng học sinh, hỗ trợ hoạt động định hướng nghề nghiệp của nhà trường, tạo động lực học tập mà vẫn có tính giải trí cao. Hiện CLB TECHNO-IDEA đã qua quá trình thử nghiệm tại một số trường học, và sắp tới, được nhân rộng, bổ sung các hoạt động, đa dạng hóa hình thức... để tiếp tục được lan tỏa.
Có thể nói, thời điểm này đang chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong bức tranh GDĐH nói chung. Các trường công lập đã có bề dày kinh nghiệm thay đổi mình để đáp ứng kịp thời sự đòi hỏi của thời cuộc, còn ở khối đào tạo ngoài công lập, đã xuất hiện những đại diện mới được đánh giá là “nặng ký”. Thí dụ mới nhất là Trường đại học VinUni đang hoàn thiện và mới đây chính thức thông báo chuẩn bị tuyển sinh khóa đầu tiên năm học 2020-2021. Đây cũng là kết quả hợp tác giữa Vingroup và hai trường đại học thuộc tốp 20 đại học tốt nhất thế giới. “Mô hình đại học của Việt Nam hiện nay là trang bị kiến thức cho sinh viên, điều đó cũng rất quan trọng. Nhưng ở bậc học này cũng cần đào tạo ra những người có tính tiên phong, có khát vọng và năng lực để góp phần thay đổi xã hội... Muốn thế, phải có môi trường đậm đặc nhân tài từ giảng viên đến sinh viên, cùng với đó, hệ thống quản trị văn minh, cơ sở vật chất và tài chính đều phải rất mạnh”, TS Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định.
Cần có thiết chế cho đào tạo chất lượng cao…
Khi nói về đào tạo nhân lực chất lượng cao, điều mà xã hội quan tâm và cần nhất lúc này là “bài toán chất lượng”. Cụ thể, bài toán ấy phải được giải trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố: yêu cầu phát triển quốc gia - năng lực đầu tư cho giáo dục - năng lực đào tạo của hệ thống - năng lực sử dụng sản phẩm giáo dục của xã hội. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để bảo đảm tính cân bằng này, công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) như là cầu nối giữa thị trường lao động và cơ sở giáo dục, vừa giám sát lại vừa tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo.
Muốn có được những đột phá trong GDĐH, theo TS Tạ Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm KĐCLGD - VNU - CEA (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cần nhận thức đầy đủ mối liên hệ giữa Khung trình độ quốc gia với Khung bảo đảm chất lượng giáo dục. Điều này giúp cho các hoạt động kiểm định thực chất hơn, trở thành động lực quan trọng đối với các cơ sở GDĐH trong quá trình nâng cao chất lượng.
Đặt vấn đề trực diện, GS, TSKH Đặng Ứng Vận nêu câu hỏi: “Cần phải làm rõ năng lực đào tạo thực tế của hệ thống GDĐH và sau đại học ở Việt Nam hiện như thế nào? Về nhân lực, chúng ta không thiếu những học giả đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học, có thể về trí tuệ không thua kém bạn bè các nước. Nhưng chúng ta đang thua về cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí nghiên cứu khoa học - công nghệ”.
Mặt khác, không thể đào tạo tài năng trong khoa học - công nghệ chỉ với chi phí eo hẹp, với những phòng thí nghiệm lạc hậu hơn quy trình công nghệ của các doanh nghiệp. Như vậy, trong trường hợp Nhà nước có mục tiêu và yêu cầu cụ thể đối với các thiết chế đào tạo nhân lực chất lượng cao, địa chỉ sử dụng rõ ràng, năng lực sử dụng tương xứng với đội ngũ được đào tạo; phương thức phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng có hiệu quả thì vấn đề còn lại vẫn là giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu thì cao mà nguồn lực hạn chế. Một chương trình cấp quốc gia về đào tạo nhân lực chất lượng cao là cần thiết và cấp bách nhưng rất cần được nghiên cứu đầy đủ trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Năm 2020 sẽ đánh dấu mốc quan trọng của công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục - đào tạo nước nhà, trong đó có GDĐH. Tất cả đang cho thấy một tương lai xán lạn.
KHÚC HỒNG THIỆN
(Bài đăng trên Báo Nhân dân Xuân Canh Tý 2020)
lên đầu trang