Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 20:49

Thứ bảy, 18/05/2024 | 20:49

Chính sách

Cập nhật lúc 11:07 ngày 10/02/2020

Động lực tăng trưởng mới

Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Techfest. Ảnh: Minh Quyết (TTXVN)
Đến với Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mùa xuân năm 2019 diễn ra tại Đa-vốt (Thụy Sĩ), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp thể hiện Việt Nam quyết tâm trở thành một “Quốc gia của đổi mới sáng tạo”, một nền kinh tế số liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Đất nước vào xuân 2020, đã có thể cảm nhận được những chuyển động chính sách nhằm từng bước biến quyết tâm thành hiện thực.
Hành trình của tư duy đột phá
Từ kinh nghiệm đã rút ra ở nhiều quốc gia, Việt Nam lựa chọn đi theo con đường sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đặt nền móng cho việc hình thành Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) đang khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với NIC. Dự kiến đến năm 2020, NIC đầu tiên sẽ được ra mắt với sứ mệnh hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao năng lực công nghệ và ĐMST của các doanh nghiệp (DN). Từ đó nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao.
Một “mũi giáp công” khác là “Mạng lưới ĐMST Việt Nam” sau khi chính thức ra mắt cuối năm 2018 với 100 thành viên đầu tiên là các trí thức kiều bào ta ở nước ngoài về, nay đã tổ chức được văn phòng tại Béc-lin (Đức). Mục đích nhằm quy tụ, kết nối các trí thức khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt tại Đức cũng như những cá nhân, DN của Đức chung tay đóng góp trí tuệ cho sự phát triển đột phá và thịnh vượng của hai nền kinh tế thông qua ĐMST.
Không dừng ở đó, dự kiến sẽ có thêm hai văn phòng Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại Mỹ, đặt ở thung lũng Silicon và Bô-xtơn (Boston). Những nỗ lực này phần nào cho thấy, Việt Nam đang hướng đến lấy ĐMST làm động lực cho phát triển kinh tế, xây dựng được hệ sinh thái để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ (KHCN), ĐMST. Muốn vậy phải dựa trên các yếu tố cốt lõi về thể chế, vốn, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trước hết, phải có thể chế vượt trội, bởi có thể chế tốt thì người tài sẽ về, nguồn lực cũng sẽ về và đó là điều kiện quan trọng để bứt phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đi tới thịnh vượng. Đó cũng là lý do để Bộ KH và ĐT xác định, ĐMST là một trong những đột phá chiến lược mới khi xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia CMCN 4.0.
Bước chuyển quan trọng khác là Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là bước đi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52 về việc ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0; thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Sinh sôi những hạt nhân mới
Trong thực tế, thuật ngữ ĐMST chỉ xuất hiện ở Việt Nam và được đưa vào Luật Khoa học và công nghệ năm 2013. Do đó, số lượng DN có hoạt động ĐMST còn hạn chế và chủ yếu mới thực hiện ở các DN vừa và lớn. Cuộc điều tra đầu tiên (năm 2018) về hoạt động ĐMST tại các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy mới có 61,63% số DN điều tra thực hiện ĐMST, 37,18% số DN không có hoạt động ĐMST và 1,19% số DN không xác định được đã có hoạt động này hay chưa?
Tuy nhiên, điểm tích cực là tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ DN và xã hội đã tăng mạnh từ 30% của giai đoạn 2011-2015 lên 48% trong những năm gần đây, còn tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước giảm tương ứng từ 70% xuống còn 48%. Con số này phản ánh nhận thức của DN và xã hội với KHCN đã có chuyển biến rất quan trọng và những tác động của chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư cho KHCN đã phát huy hiệu quả. Đáng mừng là đã xuất hiện những DN Việt Nam đầu tư mạnh mẽ cho KHCN, ĐMST, trở thành nhân tố mới như Viettel, VNPT, Vingroup…
ĐMST trong DN có nhiều nội dung, bao gồm đổi mới quản trị; đổi mới quy trình công nghệ; đổi mới sản phẩm… DN Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ nên mới chỉ dừng ở công đoạn ĐMST ban đầu như mua sắm thiết bị, thay đổi dây chuyền sản xuất. Quá trình này cũng đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực của các DN còn rất hạn chế. Muốn tiến lên công đoạn tiếp theo là hấp thụ công nghệ, DN cần có đủ tiềm lực để tự phát triển công nghệ hoặc mua công nghệ phù hợp để ứng dụng tăng năng suất lao động, đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn. Điều này không chỉ phụ thuộc vào năng lực của mỗi DN mà quan trọng hơn là phụ thuộc rất lớn vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, trong đó cần nhất là một tư duy quản lý mới, chấp nhận cách làm mới, không gò bó theo quy trình, thủ tục cũ và các mô hình truyền thống.
Các DN tốp đầu đang có hoạt động ĐMST đều có chung nhận định rằng họ không cần tài trợ, chỉ cần môi trường kinh doanh tạo điều kiện, khuyến khích cho các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo, Việt Nam cần tái cấu trúc chính sách, chuyển từ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sang tập trung nâng cao năng lực DN thông qua các giải pháp như ưu đãi tín dụng cho các DN nhỏ và vừa triển khai ĐMST, hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án kết nối giữa các cơ quan nghiên cứu - nơi tạo ra các sản phẩm, công nghệ ĐMST và DN - nơi có nhu cầu ứng dụng các sản phẩm đó. Đây chính là câu chuyện tạo dựng thị trường KHCN phát triển tốt, lành mạnh. Trong đó, Nhà nước có vai trò là “bà đỡ” chính sách để khuyến khích phát triển các loại hàng hóa từ hoạt động nghiên cứu nhằm thương mại hóa các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm vào thực tế DN thay vì tình trạng các nghiên cứu KHCN sau công bố chỉ cất trong tủ.
KHCN đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước và được xem là đòn bẩy của công cuộc tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để ĐMST trở thành một động lực tăng trưởng mới, trước hết, cần xóa bỏ mọi rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để mỗi DN là một trung tâm ĐMST. Đồng thời ưu đãi vượt trội để các NIC có khả năng cạnh tranh thu hút nguồn lực và chất xám trên toàn cầu, từ đó góp phần đưa ĐMST trở thành hạt nhân cho thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chỉ số ĐMST của Việt Nam thời gian qua liên tục tăng vượt bậc, dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông:
Bàn về chính sách thúc đẩy ĐMST cần nhìn nhận ở cả hai góc độ: Thứ nhất, là những quy định theo hướng tạo dựng khung pháp lý thông thoáng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động; Thứ hai, là những chính sách mang tính chất hỗ trợ như ưu đãi thuế, tiếp cận tín dụng… Chúng ta đang nặng về vế thứ hai, cho dù những hỗ trợ này không thật sự đem lại nhiều ý nghĩa, thậm chí còn gây bất bình đẳng giữa các mô hình kinh doanh.
Đề án Kinh tế chia sẻ hay Đề án Chuyển đổi số quốc gia mới chỉ mang tính định hướng chứ chưa đủ để hình thành cơ chế thử nghiệm pháp lý (sandbox). Lý do là, đối với mô hình quản lý theo ngành, thẩm quyền lập quy và cấp phép thực chất vẫn thuộc về các bộ. Do đó, muốn thật sự thúc đẩy ĐMST, cần thành lập Tổ công tác của Chính phủ về sandbox nhằm điều phối và thực thi thống nhất về chính sách công nghệ.
Tô Hà
Bài đăng trên Báo Nhân dân Xuân Canh Tý 2020
lên đầu trang