Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 03:57

Thứ ba, 21/05/2024 | 03:57

Chính sách

Cập nhật lúc 20:41 ngày 07/02/2020

Nghiên cứu khoa học là "nhiệm vụ then chốt"

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường đại học (ĐH) là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là đối với các ĐH nghiên cứu và định hướng nghiên cứu. Sự phát triển của một trường ĐH phải luôn gắn liền với hoạt động NCKH, sáng tạo tri thức cho loài người và thúc đẩy phát triển xã hội.
Nâng cao tính ứng dụng
Hiện nay, tính ứng dụng của các sản phẩm NCKH trong các trường ĐH còn hạn chế. Điều đó đặt ra yêu cầu cần nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm nghiên cứu để sản phẩm có thể đi từ phòng thí nghiệm đến tay người tiêu dùng. Tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm có khoảng 4.500 công bố khoa học trên tất cả các lĩnh vực. Riêng số bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín chiếm khoảng 20%. ĐH này còn có nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao và có thể chuyển giao công nghệ.
Thí dụ như sản phẩm keo thông minh "dán" lành vết thương của PGS, TS Nguyễn Thị Hiệp (Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh không chỉ tạo nên sự khác biệt các công trình nghiên cứu ở môi trường ĐH mà còn tạo ra sự đột phá trong ngành y sinh Việt Nam. Keo được hình thành từ axil hyaluronic (một protein tự nhiên) và chitosan (có tác dụng tái tạo mô). Hai loại bột này khi tiếp xúc với nước sẽ tạo thành một loại keo dán vào vết thương. Keo có khả năng diệt khuẩn, chống nhiễm trùng, làm lành các loại vết thương nhanh chóng mà không cần các kỹ thuật khâu vá. Điểm nổi bật của loại keo sinh học này là không cần phải lấy ra và có tác dụng thay thế mô đã mất.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh
Tại viện Tế bào gốc (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh), sau gần 10 năm nghiên cứu và phát triển, Viện đã cho ra đời sản phẩm Cartilatist (sản phẩm thuốc tế bào gốc điều trị bệnh thoái hóa khớp và thoái hóa đĩa đệm cột sống). Phương pháp mới này đem lại hiệu quả điều trị lên tới 86% và bệnh nhân thoái hóa khớp gối không cần phải phẫu thuật. Những bộ kít tách chiết tế bào gốc từ ô mỡ và bộ kít tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu đã được Viện chuyển giao cho Công ty TNHH Thế giới gene ( ở Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) sản xuất. Ngoài ra, Viện còn chuyển giao công nghệ sản xuất mỹ phẩm BabyEver cho Công ty CP Bệnh viện Emcas TP Hồ Chí Minh. BabyEver là dòng sản phẩm sử dụng các công nghệ hiện đại, bao gồm: StemActive, Exosome và Micropierce. Trong đó, công nghệ StemActive và Micropierce là hai công nghệ độc quyền của Viện Tế bào gốc. Hiện tại, Viện đã có những nguồn doanh thu nhất định từ các sản phẩm nghiên cứu của mình
Tương tự như thế, xuất phát từ thực trạng hiện nay nông dân vẫn phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, PGS. TS Vũ Ngọc Ánh (giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) đã cùng nhóm nghiên cứu phát triển dòng máy bay không người lái (drone) dùng trong nông nghiệp. Nhiệm vụ chính của thiết bị này là phun thuốc trừ sâu, ngoài ra nó có thể điều chỉnh để thực hiện việc gieo hạt trồng rừng, bón phân dạng lỏng hoặc rắn. Máy bay có thể chở tối đa 15kg thuốc, tốc độ phun khoảng 0,5 đến 1 ha trong 10 phút. Qua thử nghiệm drone tải được 10kg trên không trong gần 14 phút. Trong tương lai sản phẩm sẽ được thương mại hóa cung cấp cho các nông trại lớn hoặc dịch vụ cung ứng cho mỗi vùng nông nghiệp. 
PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: "NCKH là một hoạt động đặc thù không thể thiếu đối với các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các ĐH nghiên cứu và định hướng nghiên cứu. Sự phát triển của một ĐH phải luôn gắn liền với hoạt động NCKH, sáng tạo tri thức cho loài người và thúc đẩy phát triển xã hội. ĐHQG luôn xác định đây là một nhiệm vụ then chốt được ưu tiên đầu tư phát triển trong suốt những năm qua. Thúc đẩy NCKH còn được xem là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường ĐH đặt trong bối cảnh các cơ sở ĐH phải nâng cao tính tụ chủ theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi hiện nay".
Vươn tầm quốc tế
Hiện tại, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, còn được biết đến là nơi khơi nguồn và dẫn dắt công nghệ thiết kế và phát triển chương trình đào tạo tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) được phát triển bởi các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ và Thụy Điển, đóng góp vào hệ thống giáo dục ĐH cả nước về mô hình phát triển chương trình đào tạo. Năm 2019, ĐH này tiếp tục dẫn đầu cả nước về các chương trình đạt chuẩn kiểm định giáo dục (KĐGD) uy tín của khu vực và quốc tế với 66 chương trình gồm: 53 chương trình đạt chuẩn AUN-QA ( chiếm gần 50% số QA trên cả nước); 07 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp đạt chuẩn kiểm định CTI; 02 chương trình đạt chuẩn FIBAA và ACBSP; 04 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ.
Sự danh tiếng và chất lượng đào tạo của ĐHQG TP Hồ Chí Minh còn được minh chứng rõ nét khi liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín của quốc tế như: Tốp 1001+ các trường ĐH toàn cầu năm 2020 do tạp chí Times Higher Education - THE World University Rankings 2020 (Vương quốc Anh) công bố, Tốp 301-500 ĐH có tỷ lệ sinh viên có việc làm tốt nhất thế giới do QS Granduate Employability Rankings (QS GER) 2020 công bố, Tốp 101-150 trong bảng xếp hạng 50 Under 50 - tốp các trường ĐH trẻ dưới 50 tuổi. Đáng chú ý là tốp 701-750 trong bảng xếp hạng QS World 2019, 2020 và xếp hạng 143 bảng xếp hạng QS Asia 2019-2020.
Máy phun thuốc trừ sâu do sinh viên của Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sáng chế.
Hiện nay hệ thống ĐHQG TP Hồ Chí Minh bao gồm 36 đơn vị, trong đó có 08 đơn vị thành viên gồm 07 trường đại học thành viên ( Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quốc Tế, Trường ĐH công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH An Giang); 01 Phân hiệu ĐHQG TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre; 02 Khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa chính trị Hành chính); 01 Viện nghiên cứu (Viện Môi trường và Tài nguyên) và 25 đơn vị trực thuộc. 
Về đội ngũ, ĐHQG TP Hồ Chí Minh có khoảng 6.000 cán bộ, viên chức gồm hơn 3.000 cán bộ giảng dạy, gần 900 viên chức khoa học và công nghệ, hơn 2.000 viên chức hành hính. Trong đó có khoảng 3.300 cán bộ có trình độ sau đại học ( hơn 400 giáo sư, phó giáo sư, hơn 1.300 tiến sĩ, hơn 2.300 thạc sĩ). Quy mô đào tạo ĐH chính quy của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho xã hội hơn 12.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao, 1.500 thạc sĩ và gần 100 tiến sĩ thuộc hầu hết các lĩnh vực; ngành nghề hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn 2016 - 2018 trung bình hằng năm, nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của ĐHQG TP Hồ Chí Minh là hơn 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng nguồn thu của toàn hệ thống. ĐH này cũng đã đầu tư một hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu, nhiều phòng thì nghiệm hiện đại cho nhiều lĩnh vực, tỏng đó có hai phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia là: Phòng thí nghiệm Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống (DCSELAB), Phòng thí nghiệm Polymer và Composite, cùng nhiều phòng thí nghiệm hiện đại khác...thực hiện các nhiệm vụ NCKH chuyển giao công nghệ trọng điểm.

Bài đăng trên Báo Nhân dân Xuân Canh Tý 2020 
lên đầu trang