Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 17:29

Thứ bảy, 11/05/2024 | 17:29

Chính sách

Cập nhật lúc 09:53 ngày 27/06/2014

Minh bạch hóa chất lượng thép – Kỳ vọng từ một thông tư

Nhằm bảo vệ những nhà sản xuất thép chân chính, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thép trước những áp lực của thị trường thép thế giới và sự mất cân bằng cung cầu sản phẩm thép trong nước, Thông tư liên tịch 44/TTLT-BCT-BKHCN Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu đã được ban hành.

Rất cần sự minh bạch

Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Tiêu chuẩn kỹ thuật đã được Quốc hội phê duyệt từ năm 2007, tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện những luật này vẫn chưa nghiêm túc. Trong mấy năm qua, tình hình kinh tế thế giới suy giảm, ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong ngành xây dựng là ngành sử dụng rất nhiều sản phẩm thép. Hiện tượng gian lận thương mại về tiêu chuẩn, về chủng loại thép ngày càng nhiều, đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện đầy đủ các điều kiện trong các luật đã ban hành. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã soạn thảo Thông tư liên tịch 44/TTLT-BCT-BKHCN Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu (Thông tư 44) nhằm điểm lại những công việc phải thực hiện trong các luật trên, với những nội dung chủ yếu giúp cho quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính được đảm bảo hơn.

Tại Hội nghị phổ biến các nội dung quy định trong Thông tư 44 vừa được Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức, ông Đào Trọng Cường - Chuyên viên, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, Thông tư gồm 5 chương 16 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014. Trong đó quy định rõ, tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước phải công bố sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) tương ứng; trường hợp chưa có QCVN, thì phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa trong hợp đồng nhập khẩu.

Việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chất lượng thép sản xuất trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và theo quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng thép sản xuất trong nước. Đối với thép nhập khẩu, được thực hiện theo hình thức kiểm tra tại nguồn hoặc đánh giá sự phù hợp theo lô hàng hóa. Việc kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nguồn do Bộ Công Thương chủ trì.

Về việc đánh giá sự phù hợp chất lượng thép, bà Nguyễn Mai Hương - Chuyên viên, Vụ Hợp chuẩn hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH) thì nguyên tắc quản lý chất lượng SPHH gồm: nhóm 1 (SPHH không có khả năng gây mất an toàn), tiêu chuẩn công bố áp dụng sẽ do doanh nghiệp tự thực hiện; nhóm 2 (SPHH có khả năng gây mất an toàn) có 2 yếu tố: tiêu chuẩn công bố áp dụng do doanh nghiệp tự thực hiện và QCVN do Bộ quản lý chức năng ban hành. Bộ Công Thương chỉ định tổ chức thử nghiệm chất lượng thép; Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận chất lượng thép. Theo Thông tư 44 thì thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu phải được kiểm định. Yêu cầu đối với tổ chức thử nghiệm trong nước là đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm; xây dựng, áp dụng và duy trì hiệu lực Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN. Tổ chức thử nghiệm nước ngoài được chỉ định đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BKHCN. Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận được chỉ định và tổ chức giám định được chỉ định được quy định tại Thông tư 09/2009/TT-BKHCN và Thông tư 11/2009/TT-BKHCN.

Câu chuyện trách nhiệm

Thông tư 44 là dịp nhắc mọi người nhớ đến câu chuyện cách đây chưa lâu liên quan đến việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông, được cụ thể hóa tại quy chuẩn quốc gia QCVN 07: 2011/BKHCN.

Theo đó, thép làm cốt bê tông sản xuất trong nước và nhập khẩu phải thực hiện quy chuẩn trên từ ngày 01 tháng 12 năm 2012 và thép làm cốt bê tông lưu thông trên thị trường phải thực hiện từ ngày 01 tháng 6 năm 2013. Đối với thép làm cốt bê tông nhập khẩu phải được giám định hoặc chứng nhận phù hợp với quy định cho từng loại sản phẩm (theo mác và theo đường kính danh nghĩa) thuộc lô hàng hóa theo phương thức thử nghiệm mẫu, đánh giá về sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa đó.

Việc bổ sung quy chuẩn nhằm ngăn chặn, loại khỏi thị trường những sản phẩm thép nhập khẩu, hay thép sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn, đồng thời bảo vệ các công trình xây dựng được đảm bảo chất lượng.

Khi đưa ra quy chuẩn này, hầu hết các doanh nghiệp phía Nam đều ủng hộ, vì họ từ lâu đã  áp dụng tiêu chuẩn của JSS (Nhật Bản), trong khi đó, các doanh nghiệp phía Bắc lại chủ yếu áp dụng TCVN, nên việc áp dụng QCVN7: 2011/BKHCN sẽ rất khó khăn. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp đều thống nhất xin lùi thời hạn áp dụng vì chưa đủ thời gian, lượng hàng dự trữ và tồn kho lớn do thị trường bất động sản đóng băng, nếu áp dụng ngay quy chuẩn mới thì các doanh nghiệp sẽ nguy. Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp ngành Thép, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý sửa đổi, bổ sung gia hạn QCVN 7: 2011/BKHCN. Theo đó, đối với thép cốt bê tông sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng sẽ được kéo dài thêm 6 tháng tức là hết năm 2013, thay cho quy định trước là 1/6/2013. Đối với doanh nghiệp kinh doanh thép cốt bê tông sẽ được kéo dài 1 năm, có nghĩa là đến tháng 6/2014 mới bắt buộc phải áp dụng các quy định của QCVN7: 2011/BKHCN, thay cho quy định trước đó là 1/6/2013.

Có thể thấy rõ, văn bản này được ban hành năm 2011, nhưng hầu hết các doanh nghiệp thép, đối tượng chính chịu tác động của văn bản lại nói rằng không biết, chưa biết, hay “mãi bây giờ mới biết”. Có hai nguyên nhân: Thứ nhất là doanh nghiệp không quan tâm, đến lúc quy định có hiệu lực mới “ngã ngửa ra”; Thứ hai là do thói quen làm việc không tự giác, thiếu tinh thần cộng đồng, cứ đưa luật gì mới vào cuộc sống là phải “kêu khó”, phải “kêu vướng” trước đã thay vì nghiên cứu thấu đáo và phản hồi, đóng góp một cách tích cực, xây dựng.

Tương tự như vậy đối với Thông tư 44, bên cạnh các doanh nghiệp hết sức quan tâm, mong muốn được hiểu cho thấu đáo để còn áp dụng cho đúng, thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp khá thờ ơ. Điều này thể hiện rất rõ trong việc đăng ký tham gia Hội nghị phổ biến Thông tư… Nhiều doanh nghiệp nhà nước khi được hỏi thì rất thờ ơ, chờ lãnh đạo cho ý kiến và không đăng ký tham dự. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân tuy không nhận được giấy mời nhưng biết thông tin đã chủ động liên hệ với Ban tổ chức để đăng ký tham dự và đến đông đủ, trực tiếp hỏi đáp những vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhìn lại một cách tổng thể vẫn là câu chuyện trách nhiệm. Phát biểu của ông Nguyễn Văn Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt thực sự cho Hội nghị thấy một cách nhìn tổng quát, bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Ông Thái cho rằng: “Nhiều người nhìn Thông tư 44 theo góc nhìn bảo vệ người tiêu dùng, tôi nghĩ cái đó chưa hẳn, Thông tư 44 chính là một biện pháp chiến lược để bảo vệ các nhà sản xuất. Chúng ta sẽ không có tương lai nếu như chất lượng không được quản lý tốt, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với Trung Quốc nếu không có chất lượng. Trong ngành thép, Trung Quốc là đối tượng chính. Nếu không kiểm soát được chất lượng như trong thời gian vừa rồi sẽ dẫn đến nguy cơ trong các công trình, bởi nếu chỉ hướng tới giá rẻ thì tất nhiên yếu tố chất lượng sẽ bị bỏ quên. Tôi cho rằng, chúng ta nên nhìn vấn đề ở góc độ khác, không chỉ bảo vệ người tiêu dùng, mà chính là bảo vệ những người sản xuất chân chính. Có thể chúng ta đã sai trong quá khứ, nhưng chúng ta sửa từ từ còn hơn là không sửa, không làm”. 

Tại Hội nghị phổ biến Thông tư này, các chuyên gia đã giúp các doanh nghiệp sáng tỏ nhiều vướng mắc để áp dụng Thông tư 44 vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất. Ví dụ như đã là thép loại 2 là thép tái chế đã qua sử dụng thì quản lý theo hàng nhập khẩu phế liệu về sản xuất, áp dụng theo Thông tư liên tịch 34/TTLT-BCT-BTNMT của liên Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong trường hợp hàng thử nghiệm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố thì sẽ phải buộc tái xuất. Thời gian cấp giấy chứng nhận phù hợp tùy thuộc vào chủng loại thép, tiêu chuẩn công bố và năng lực tại thời điểm của các phòng thử nghiệm. Đối với các sản phẩm có yêu cầu đặc biệt thì cần làm việc giữa cơ quan giám định và Hải quan (theo Điều 27 Thông tư 128/2013/TT-BTC). Trong hợp đồng nhập khẩu, doanh nghiệp đăng ký theo tiêu chuẩn nào sẽ kiểm tra theo tiêu chuẩn đó, không phải đăng ký sang tiêu chuẩn tương đương của Việt Nam…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hiểu thêm về những thông tin liên quan đến việc cá nhân sản xuất thép trong nước phải công bố sản phẩm phù hợp với quy chuẩn quốc gia là bắt buộc phải áp dụng. Trình tự thủ tục hồ sơ  được thực hiện theo Thông tư 28/2012/TT-BKHCN. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ 2 nguồn CSC-Đài Loan và NSSMC-Nhật Bản sẽ thực hiện đánh giá toàn bộ tại từng nhà máy.

 

Hoàng Quân

lên đầu trang