Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 19:15

Thứ hai, 20/05/2024 | 19:15

Chính sách

Cập nhật lúc 10:14 ngày 27/06/2014

Sủ dụng, trọng dụng nhân tài trong hoạt động KHCN

Trọng dụng nhân tài trong hoạt động khoa học công nghệ có lẽ là một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất, tốn kém nhiều giấy mực nhất; nhưng thời gian gần đây, câu chuyện này dường như đã dễ tìm kiếm được tiếng nói thống nhất hơn.


Nan giải chuyện ưu đãi

Vào thập niên 1970 đã nổi lên câu chuyện trọng dụng nhân tài. Hồi đó, câu chuyện đãi ngộ nhằm vào lương và điều kiện sinh hoạt cho cán bộ khoa học và kỹ thuật. Nhưng chuyện lương nhanh chóng bị chìm đi vì liên quan đến cân đối thu chi ngân sách nhà nước, chỉ còn điều kiện sinh hoạt là khả thi. Các nhà làm chính sách quyết định phân phối nhà ở cho cán bộ khoa học-kỹ thuật; ai cũng nhất trí, nhưng khi bàn thảo cụ thể thì vướng. Bởi lẽ, số cán bộ khoa học kỹ thuật nhiều hơn số căn hộ dành để phân phối hàng chục lần. Thế là phải thu hẹp đối tượng. Đầu tiên chỉ phân cho cán bộ có học hàm GS, PGS và học vị TS, PTS. Sau đó các kỹ sư phản ứng, danh sách phân phối nhà liền được mở rộng ra đến học vị kỹ sư; rồi đến lượt công nhân bậc cao thắc mắc, danh sách tiếp tục được nối dài… Cuối cùng, những người làm chính sách lâm vào thế bí, đành quyết một lần phân phối nhà cho đến hết thì… chấm dứt luôn chính sách này.

Những năm gần đây, việc thu hút nhân tài được các địa phương vận dụng khá phổ biến. Năm 2004, một tỉnh miền Trung đã tiên phong  trải thảm đỏ thu hút nhân tài với sự hỗ trợ tài chính rõ ràng: sau khi tiếp nhận công tác, giáo sư - tiến sĩ được hỗ trợ lần đầu là 100 triệu đồng; phó giáo sư - tiến sĩ: 80 triệu đồng; tiến sĩ: 60 triệu đồng; thạc sĩ: 40 triệu đồng; Bác sĩ Chuyên khoa cấp 2, dược sĩ Chuyên khoa cấp 2: 55 triệu đồng… Từ đó đến nay, nhiều địa phương ở miền Trung, miền Nam cũng treo thưởng mời gọi nhân tài về, với mức hỗ trợ khá cao: ngoài việc hưởng lương theo quy định của Nhà nước, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II được hỗ trợ một lần từ 250 đến 500 triệu đồng; tiến sĩ các chuyên ngành khác, thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú 200 đến 400 triệu đồng…

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều địa phương phải thừa nhận rằng, thành công đáng kể nhất cho hành động tiên phong của họ là thu hút được nhiều người có bằng cấp cao. Còn hiệu quả? Đã xuất hiện nhiều phàn nàn về khả năng của những “nhân tài” được thu hút. Tháng 7/2013, UBND TP. Đà Nẵng đã chấm dứt hợp đồng theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với học viên Nguyễn Văn Lời do không hoàn thành chương trình nghiên cứu, buộc thu hồi kinh phí đào tạo theo quy định và thanh lý hợp đồng đã ký kết với cơ quan quản lý Đề án. Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, nơi có đến 20% công chức thuộc diện thu hút nhân tài, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của lực lượng nhân tài được thu hút  là có một tỷ lệ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, thiếu kỹ năng và chưa khiêm tốn.

Gần đây nhất, tháng 1/2014, một cán bộ lãnh đạo ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận hai bác sĩ chuyên khoa II. Khi về Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu công tác, mỗi người được hưởng 200 triệu đồng tiền "thu hút nhân tài" theo quy định của UBND tỉnh. Trên thực tế, hai bác sĩ này tuy bằng cấp cao, nhưng chuyên môn lại yếu, không trực tiếp mổ được, nhiều tháng liền chỉ đứng nhìn đồng nghiệp khác là bác sĩ của khoa hướng dẫn thêm chuyên môn. Vì vậy, dẫn đến so bì của không ít bác sĩ.

Vì sao có chuyện khập khiễng này? Xét về thực chất, tất cả các đề án của các địa phương có tên gọi “thu hút nhân tài” đều là thu hút bằng cấp cả. Tiêu chuẩn của nhân tài bị đánh đồng với học hàm, học vị, nên mới có chuyện tiến sỹ được nhận tiền “thu hút nhân tài” nhiều hơn thạc sỹ; giáo sư nhận nhiều tiền hơn phó giáo sư. Trên thực tế, từ năm 1990 trở về trước, học hàm học vị tương đối tỷ lệ thuận với năng lực chuyên môn. Vì ngay đầu vào của sau đại học được tuyển chọn rất gắt gao. Thí dụ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở mỗi khoa tự nhiên hay xã hội, bình quân 4-5 năm mới có 1 người đủ tiêu chuẩn làm PTS. Sau năm 1990, việc học được mở ra, bất cứ ai có nguyện vọng (và đủ điều kiện tài chính) đều lần lượt được học thạc sỹ, tiến sỹ. Do vậy, giữa bằng cấp và chuyên môn hiện nay có một khoảng cách nhất định.

Căn cứ vào năng lực

Câu chuyện đãi ngộ nhân tài dường như bớt bất cập hơn khi cuối năm 2013, Bộ Khoa học - Công nghệ đưa ra Dự thảo Nghị định “Quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ”. Quan điểm có tính cách mạng bao trùm của dự thảo là đưa ra các ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học công nghệ dựa trên thành tích thực tế chứ không đơn thuần phụ thuộc vào bằng cấp, lại càng không lệ thuộc vào thâm niên công tác.

Nhưng quan trọng hơn, trên cơ sở xác định vị trí, chức năng của 3 nhóm đối tượng trong đội ngũ cán bộ KH&CN thuộc phạm vi thụ hưởng chính sách, dự thảo đưa ra các quy định  trọng dụng với từng nhóm đối tượng đặc thù dựa trên vị trí, đặc điểm của từng nhóm. Đối với nhóm nhà khoa học đầu ngành, và nhóm nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, chính sách trọng dụng tập trung vào việc tạo điều kiện cho nhà khoa học được quyền chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, tại Điều 9 Dự thảo quy định cá nhân hoạt động KH&CN được bảo đảm các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị, vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; được hỗ trợ kinh phí công bố, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả hoạt động KH&CN, kinh phí tham gia ươm tạo công nghệ. Điều 18 dự thảo đưa ra các nội dung trọng dụng đối với nhóm nhà khoa học đầu ngành: Được cấp kinh phí hằng năm theo đề xuất để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển ngành; Được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Được hỗ trợ chi phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn; Được hưởng phụ cấp tương đương phụ cấp chức vụ Vụ trưởng cấp Bộ.

Đối với nhóm nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng(có thể coi như Tổng công trình sư chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện một nhiệm vụ cụ thể), thì chính sách trọng dụng tập trung vào việc tạo điều kiện chủ động về mọi mặt cho nhà khoa học và các điều kiện hỗ trợ khác để thực hiện nhiệm vụ (điều 20 dự thảo) gồm có: Quyền tự chủ đặc biệt về tài chính trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ,  theo phương thức khoán chi; Quyền được chủ động bố trí, sử dụng nhân lực để thực hiện nhiêm vụ (đề xuất huy động nhân lực từ các tổ chức KH&CN tham gia thực hiện nhiệm vụ, thuê hoặc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài để tư vấn hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ);Quyền được tạo các điều kiện thuận lợi khác trong thời gian thực hiện nhiệm vụ: bố trí nhà ở, phương tiện đi lại công vụ; tiếp cận thông tin, tư liệu phục vụ nghiên cứu...

Đối với nhóm thứ 3, nhóm cán bộ khoa học trẻ tài năng được xác định là nguồn để trở thành các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng trong tương lai. Vì thế, chính sách trọng dụng với nhóm đối tượng này tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để phát triển các hướng nghiên cứu, như ở điều 22 dự thảo: Được ưu tiên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong và ngoài nước; tham gia nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học đầu ngành; được ưu tiên xét cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức KH&CN uy tín ở nước ngoài; Được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn và được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm thông qua các dự án nghiên cứu được tuyển chọn; Được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm, tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực chuyên môn.

Mặc dù chưa thể khắc phục hết những bất cập trong trọng dụng nhân tài, nhưng Dự thảo Nghị định “Quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN” đã hướng đến sử dụng có hiệu quả nhân lực KH&CN, thể hiện qua các khía cạnh bố trí đúng người, đúng việc; tạo môi trường làm việc tốt, tôn trọng quyền cá nhân và trao quyền chủ động cho nhà khoa học; quan tâm đến tôn vinh và trọng dụng nhân lực KH&CN tài năng.

 

 Văn Giang

lên đầu trang