Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 10:12

Thứ ba, 21/05/2024 | 10:12

Chính sách

Cập nhật lúc 10:27 ngày 27/06/2014

TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ

Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ba kết quả chủ yếu

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới công nghệ và sản phẩm, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, TP, đã triển khai đề án “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn Thành phố” với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cao  vào sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh, phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế trên địa bàn. Và hàng loạt các chương trình khác như: Chương trình Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý; Chương trình tiết kiệm năng lượng; Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu; Chương trình nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo và chuyển giao thiết bị mới; Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; Thành lập Quỹ phát triển KH&CN với vốn điều lệ 50 tỷ đồng; Tổ chức các Chợ công nghệ và thiết bị nhằm tạo lập thị trường công nghệ, gắn kết lực lượng khoa học với lực lượng doanh nghiệp sản xuất, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ thúc đẩy phát triển. 

Sau gần 4 năm thực hiện, đề án “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM” đã xây dựng và đang hoàn thiện nền tảng cho hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất trên cơ sở liên kết, phối hợp 4 bên (doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư), trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Các kết quả bước đầu của đề án cho thấy doanh nghiệp đang dần chủ động trong cải tiến công nghệ, nhân lực quản lý, kỹ thuật và năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Theo PGS. TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, có ba kết quả chủ yếu đã đạt được là:

Thứ nhất là Đào tạo tư vấn cho doanh nghiệp và phát triển thị trường công nghệ: Kết hợp với các công tác phổ biến tuyên truyền, đề án đã liên tục tổ chức khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp. Đến nay đã có trên 100 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu về các lĩnh vực: vay vốn đầu tư, đào tạo nhân lực, đăng ký sở hữu trí tuệ, tư vấn đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ... Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu trên 1000 chuyên gia công nghệ và cộng tác viên; Tổ chức 34 lớp đào tạo cho doanh nghiệp về quản lý tiết kiệm năng lượng, đo lường năng suất, quản lý sản xuất, quản lý bảo trì, quản lý nhân sự hiện đại, quản lý dự án, quản trị tài sản trí tuệ; ươm tạo doanh nghiệp và hình thành tổ chức, doanh nghiệp KHCN…

Thứ hai là Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và làm chủ công nghệ: Tổ chức 3 đợt trình diễn và xúc tiến chuyển giao công nghệ chuyên đề theo ngành và theo từng nhóm nhu cầu; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp xúc với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước. Tổ chức quảng bá rộng rãi sản phẩm công nghệ từ Chương trình chế tạo thiết bị với chi phí thấp và chương trình chế tạo robot công nghiệp; Nghiên cứu, thu thập thông tin công nghệ nước ngoài và nhu cầu công nghệ trong nước; Xây dựng Chương trình đánh giá và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh bằng nền tảng công nghệ đối với các doanh nghiệp ngành hoá dược, cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh thực phẩm nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tạo đột phá công nghệ bằng chất xám và nguồn lực trong nước, tiến đến sở hữu công nghệ nguồn và chuyển giao trong, ngoài nước; Tổ chức đào tạo với hỗ trợ kinh phí của Nhà nước …

Thứ ba là Phổ biến tuyên truyền, tăng cường nhận thức doanh nghiệp về đổi mới công nghệ: Triển khai công tác tuyên truyền gây nhận thức và quảng bá về những chương trình hỗ trợ của đề án và lợi ích của hoạt động đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp; Tổ chức 8 hội thảo giới thiệu các nội dung hỗ trợ cụ thể của đề án cho trên 450 doanh nghiệp tham dự; Phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, Hội cơ khí TP, Hiệp hội Doanh nghiệp KCX-KCN, tổ chức 18 hội nghị chuyên đề giới thiệu cho các doanh nghiệp về các hoạt động hỗ trợ và các kết quả đạt được của đề án; đồng thời tiếp thu các nhu cầu của doanh nghiệp nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của đề án cho phù hợp. Tổ chức thí điểm hỗ trợ đổi mới công nghệ từng phần cho một số doanh nghiệp tiêu biểu. Ứng dụng công nghệ thông tin, lập cơ chế tiếp nhận liên tục cung cấp tư vấn trực tuyến đối với các yêu cầu liên quan đến đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế thống kê các tiêu chí KH-CN phục vụ dự báo công nghệ; xác định và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật cao của thành phố để làm cơ sở ban hành các chính sách thúc đẩy, ưu đãi phù hợp. Tổ chức giới thiệu về Quỹ phát triển KH&CN  cho trên 1000 lượt doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc HEPZA, hướng dẫn và tư vấn thủ tục vay vốn cho trên 50 lượt doanh nghiệp.

Hỗ trợ liên tục, lâu dài

Tính chủ động và tích cực tham gia các chương trình, đề án của doanh nghiệp khá cao, họ sẵn sàng bộc lộ nhu cầu và mạnh dạn sử dụng nguồn chuyên gia tư vấn phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP. đã bắt đầu tập trung nhiều vào xây dựng chiến lược dài hạn về đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm và phát triển năng lực công nghệ; kèm theo những tích cực về đào tạo nhân lực kỹ thuật; dần chủ động về thông tin công nghệ chuyên sâu, thông tin thị trường và nguồn vốn. Doanh nghiệp cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích của các nội dung hỗ trợ do có nhiều dự án trình diễn mang lại hiệu quả thực tế cao.

Thực tế cho thấy xúc tiến đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là một quá trình liên tục và lâu dài; đòi hỏi phải phối hợp giải quyết đồng thời nhiều yếu tố có liên quan như ban hành cơ chế chính sách phù hợp, môi trường thực thi pháp luật minh bạch, xác định rõ nhu cầu sản phẩm mới, tìm kiếm giải pháp công nghệ tối ưu, tìm nguồn tài chính để thực thi dự án, xác định nhu cầu của thị trường; đồng thời không thể thiếu vai trò quan trọng của khâu tuyên truyền, quảng bá trong quá trình đổi mới, cũng như sự phối hợp nỗ lực của một mạng lưới các tổ chức, các nguồn lực và con người cùng hoạt động một cách có hiệu quả.

Do đó, trong thời gian tới, đề án sẽ tiếp tục được triển khai và trở thành một chương trình thường xuyên hằng năm của TP. nhằm cung cấp những hỗ trợ liên tục và lâu dài liên quan đến phát triển công nghệ cho doanh nghiệp. Các hoạt động của Chương trình Đổi mới công nghệ đến năm 2015 là: Hỗ trợ đổi mới công nghệ về thiết bị, nhân lực, quản lý, thông tin, tư vấn tài chính cho 100 - 200 doanh nghiệp/năm; Đảm bảo hoạt động truyền thông đi vào chiều sâu để 100% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận được thông tin về các chương trình;  Hỗ trợ chuyển giao thành công 100% kết quả nghiên cứu ứng dụng; TP sẽ ban hành một quyết định quy định chi tiết về những hỗ trợ và ưu đãi đặc thù của TP. đối với ứng dụng KH-CN vào sản xuất, áp dụng được cho mọi lĩnh vực;  Xúc tiến đầu tư 3 - 5 công nghệ nguồn/năm từ ngân sách thành phố và nguồn lực xã hội; Xây dựng đề án thành lập Quỹ kích cầu phát triển công nghệ cao; Hệ thống lại các cơ chế, chính sách, các chương trình hỗ trợ cho thống nhất và thông suốt với các văn bản hướng dẫn; Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, phát triển sản xuất theo hình thức hợp tác công - tư. 

Trong thời gian tới, TP. tiếp tục nâng cao vai trò hỗ trợ của Quỹ phát triển KH-CN với nguồn vốn, phạm vi và đối tượng áp dụng được mở rộng hơn, từ đó làm cơ sở để xây dựng Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế cho Quỹ Đổi mới công nghệ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt được qua trở ngại khi đầu tư vào công nghệ mới, có độ rủi ro cao; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn thành lập Quỹ Phát triển KH-CN trong doanh nghiệp.

PGS. TS Lê Hoài Quốc

 

Duy Anh

 

lên đầu trang