Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 14:22

Thứ ba, 14/05/2024 | 14:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:22 ngày 13/04/2020

Công nghệ lọc, ép than tại Than Cửa Ông giúp giải bài toán bảo vệ môi trường

Trước kia, toàn bộ nước sau tuyển rửa tại nhà máy sàng tuyển Công ty Tuyển than Cửa Ông được bơm trực tiếp ra hồ lắng, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn đất, nước và không khí. Từ khi hệ thống lọc, ép than bùn đưa vào hoạt động, không chỉ giải được bài toán bảo vệ môi trường, mà còn tiết kiệm tài nguyên, ổn định sản xuất.

Công ty Tuyển than Cửa Ông: Giải bài toán bảo vệ môi trường với công nghệ lọc, ép than

Hệ thống lọc, ép than bùn kiểu buồng tăng áp.

Dự án nhà máy lọc, ép được triển khai tại Công ty Tuyển than Cửa Ông lần đầu vào năm 2003, trong bối cảnh khâu xử lý bùn nước của Công ty còn nhiều hạn chế. Qua quá trình lắng đọng tự nhiên của bùn nước, lượng nước trên mặt sẽ được tận dụng, thu hồi và đưa vào nhà máy tuyển. Toàn bộ lượng bùn sau quá trình cô đọng sẽ được phơi để đưa vào pha trộn, chế biến và tiêu thụ.

Tuy nhiên, lượng nước tận thu lại không được triệt để, thẩm thấu ra môi trường, bay hơi, không được tuần hoàn lại theo ngưỡng cho phép. Nước tuần hoàn vẩn đục, nước bùn tràn ra làm hỏng đường sắt và thiết bị. Số than cấp -0,1mm trong bùn không thể thu hồi một cách tối đa.

Công ty Tuyển than Cửa Ông: Giải bài toán bảo vệ môi trường với công nghệ lọc, ép than

Thùng khuấy bùn than trong nhà máy lọc, ép.

Công ty Tuyển than Cửa Ông: Giải bài toán bảo vệ môi trường với công nghệ lọc, ép than

Tất cả các khâu trong quá trình lọc, ép được điều khiển tự động.

Hệ thống xử lý bùn nước chiếm diện tích lớn, hiệu suất thấp, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh; do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của. Vì vậy, việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống xử lý bùn nước là vô cùng cần thiết, đáp ứng nhu cầu tăng năng suất, tận thu sản phẩm có trong bùn, sử dụng triệt để nước tuần hoàn và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường xung quanh. 

Hệ thống lọc, ép than để xử lý bùn nước của Công ty hiện nay được vận hành theo cơ chế chuyển bùn than từ đáy bể cô đặc của nhà máy sàng tuyển qua trạm bơm chuyển tiếp, rồi được bơm vào thùng khuấy trong nhà máy (dung tích 52m3/thùng). Tại thùng khuấy, bùn than được bổ sung chất trợ lắng keo tụ, rồi được 3 bơm có lưu lượng 250m3/h bơm vào 3 máy lọc ép kiểu buồng tăng áp. Qua máy lọc ép tăng áp, dưới tác dụng của dòng khí nén (từ xưởng khí nén cấp vào), bùn than được phân tách thành than bùn và nước lọc. 

Than bùn sau quá trình lọc, ép đạt độ ẩm từ 22-24%, được chuyển xuống khoang chứa rồi xuống máy cấp liệu để cấp vào băng tải chuyển qua nhà máy sấy. Lúc này, tùy theo yêu cầu sản xuất, số than sau khi sấy đạt chất lượng cám 5, cám 6, sẽ được chuyển thẳng sang Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả, hoặc pha trộn với than sau sàng tuyển. Nước sau lọc ép có tỷ lệ rắn/lỏng (R/L) <10g/l được bơm xuống bể chứa, sau đó được đưa sang hồ lắng tinh để bơm tuần hoàn về nhà máy sàng tuyển.

Ông Nguyễn Quang Chính, Quản đốc Phân xưởng Lọc, sấy than, Công ty Tuyển than Cửa Ông, cho biết: Hiện tất cả các khâu trong quá trình lọc, ép đã tự động hóa. Các thiết bị đều được điều chuyển lên trạm trung tâm để vận hành, qua đó giảm được tối đa nguồn nhân lực. Trước kia, mỗi người chỉ vận hành được một tuyến băng, nay có thể vận hành được 3-4 tuyến băng/ca, bằng cách điều khiển qua màn hình trung tâm ở các trạm. Qua đó, chi phí lao động trong các ca sản xuất giảm, thu nhập của người lao động nâng lên. Trung bình, mỗi công nhân của Phân xưởng làm 24 công/tháng, mức lương 7,2 triệu đồng/tháng.

Hiện với 8 máy lọc ép đang hoạt động ổn định, lượng bùn thải sau bể cô đặc của 2 nhà máy tuyển đã được kiểm soát hoàn toàn, không còn gây ách tắc trong sản xuất của Công ty. Nước thải được đưa ra hồ đất để lắng tự nhiên, nước tràn sẽ được thu hồi và phục vụ sản xuất của Công ty, không có nước thải ra Vịnh Bái Tử Long. Năm 2019, sản lượng bùn sau lọc ép của Công ty là trên 459.000 tấn để đưa vào nhà máy sấy, tránh lãng phí nguồn tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường.

Trường Giang tổng hợp

lên đầu trang