Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 08:09

Thứ hai, 20/05/2024 | 08:09

Chính sách

Cập nhật lúc 12:59 ngày 19/04/2020

Phát triển công nghiệp mũi nhọn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam: Cơ cấu lại dựa trên đổi mới sáng tạo

Phát triển các ngành công nghiệp (CN) mũi nhọn đã mang lại những hiệu quả tích cực cho các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam (KTTÐPN). Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng CN 4.0, cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của các Vùng KTTÐ trong nước và khu vực, toàn vùng cần đẩy mạnh cơ cấu lại, lựa chọn hướng đi phù hợp, tăng cường liên kết để các ngành CN phát huy hiệu quả cao nhất, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn.
Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia
Nhiều nút thắt cần được tháo gỡ
Theo các chuyên gia, sản xuất của các ngành CN mũi nhọn tuy có sự phát triển tương đối tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của Vùng KTTÐPN. Nhìn chung, phần lớn doanh nghiệp (DN) sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn chưa cao. Chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất CN của toàn vùng còn cao, tính liên kết giữa DN sản xuất CN các ngành mũi nhọn, DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn hạn chế...
Thành lập năm 1993, Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7, TP Hồ Chí Minh, chuyên sản xuất khuôn mẫu chính xác cao hàng đầu tại Việt Nam. Hiện nay, công ty là một trong số ít đơn vị có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường châu Âu. Ðáng chú ý, công ty đã tham gia vào chuỗi sản phẩm của Samsung, đồng thời trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô-tô trong nước và ngoài nước. Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc Nguyễn Văn Trí cho biết: Bên cạnh những thuận lợi về chính sách, tiềm năng phát triển, các DN cơ khí khuôn mẫu ở Vùng KTTÐPN và cả nước nói chung đang gặp phải những khó khăn khiến ngành chưa thật sự phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Ðầu tiên là về nguồn nhân lực, do đặc thù ngành cơ khí khuôn mẫu chính xác cao đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao và ổn định, cho nên việc tìm kiếm người lao động không phải dễ dàng. Ðồng thời cũng cần nguồn vốn rất lớn nhưng do lãi thấp và thu hồi vốn rất lâu, cho nên rất khó tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Ðiều này gây trở ngại rất lớn cho việc huy động vốn đầu tư cho các DN cơ khí của nước ta. Cùng với đó, ngành cơ khí còn thiếu sự liên kết, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp với DN để triển khai các chương trình đào tạo lực lượng kỹ thuật lành nghề ngành cơ khí.
Tương tự, theo thống kê, phần lớn các DN tại TP Hồ Chí Minh của bốn ngành CN trọng yếu ưu tiên phát triển theo hướng mũi nhọn là vừa và nhỏ, trong đó, khoảng 60% số DN có trình độ công nghệ trung bình. Cùng với đó, nhiều DN hạn chế về vốn, quy mô, chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị sản xuất, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu đến khâu hậu mãi..., dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh. PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc cơ cấu lại các ngành CN theo hướng CN công nghệ cao (CNC), CN phần mềm và kinh tế số đã từng bước định hình xu hướng phát triển CN thành phố trong tương lai. Trong một thời gian dài, thành phố chủ trương phát triển bốn nhóm ngành CN trọng yếu, điều này phù hợp đối với kinh tế thành phố trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng CN 4.0, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương khác trong cả nước trong mối liên kết vùng, việc xác định bốn nhóm ngành CN trọng yếu để tập trung phát triển không còn phù hợp đối với thành phố.
Ðối với Ðồng Nai, cũng như nhiều địa phương trong Vùng KTTÐPN, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao gia tăng được nguồn nguyên liệu cho các ngành CN mũi nhọn và những ngành sản xuất khác để bớt lệ thuộc vào nhập khẩu. Hiện, DN trên địa bàn Ðồng Nai đang phải nhập khẩu nguyên liệu, như sắt, thép, da giày, vải, sợi, linh kiện máy móc… chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ðài Loan (Trung Quốc). Riêng năm 2019, các DN đã phải nhập nguyên liệu từ ba thị trường nêu trên với kim ngạch khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm hơn 47% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Trong số hơn 600 DN CNHT, chỉ khoảng một phần tư DN trong nước, còn lại là DN FDI. Ðiều này cho thấy, ở lĩnh vực CNHT còn phụ thuộc rất lớn các DN FDI. Ðể tháo gỡ nút thắt này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Trần Văn Vĩnh, hiện có nhiều sản phẩm của DN này là đầu vào của DN kia. Nếu kết nối được các DN này với nhau sẽ tăng nguồn cung nguyên liệu tại chỗ, giảm nhập khẩu, tăng xuất siêu. Những năm gần đây, ngoài thực hiện xúc tiến thương mại ra nước ngoài, tỉnh Ðồng Nai còn chú ý xúc tiến thương mại tại chỗ, tạo cơ hội cho các DN trong nước gặp gỡ DN FDI để trao đổi, hợp tác để cung ứng sản phẩm cho nhau. Tuy nhiên, thực tế việc kết nối cung - cầu cần nâng lên với sự hợp tác cấp vùng, khu vực và từng lĩnh vực riêng, từ đó các DN sẽ dễ dàng tìm được đối tác hơn và có thể liên kết hợp tác, làm gia tăng nguồn cung nguyên liệu trong nước, giảm bớt lệ thuộc vào nhập khẩu.
GS, TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ ra những mặt hạn chế của các ngành CN mũi nhọn của Vùng KTTÐPN. Trong bối cảnh mới, với mức độ đô thị hóa cao và cách mạng CN 4.0, các ngành CN trọng yếu của thành phố đã bộc lộ những điểm yếu, tỷ trọng đóng góp vào GRDP đang có xu hướng chững lại. Không chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác trong Vùng KTTÐPN, DN được xem là hoạt động ở các lĩnh vực mũi nhọn phần nhiều có công nghệ lạc hậu, trình độ công nghệ phần lớn đạt mức thủ công và bán tự động, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng chưa hiện đại, thiếu sự kết nối cung cầu. Cùng với đó, thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, tỷ lệ DN trong nước ứng dụng các phương pháp quản trị sản xuất hiện đại còn thấp, tỷ lệ nguyên phụ liệu phục vụ cho quá trình sản xuất đã gia tăng, nhưng nguồn nguyên liệu có chất lượng, tiêu chuẩn cao vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu. Các DN trong vùng hiện chưa thay thế được việc cung cấp đầu vào cho các DN FDI do chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng kỹ thuật. Nếu có DN sản xuất được, giá bán lại cao hơn so với nhà cung ứng hiện hữu từ nước ngoài, do chi phí đầu tư trang thiết bị lớn, chi phí lãi vay cao khiến các DN không dám mở rộng sản xuất. Ðây là một vòng luẩn quẩn mà các DN CNHT tại Vùng KTTÐPN đang đối mặt.
Tìm giải pháp bền vững
Tạo lực đẩy cho ngành CN mũi nhọn phát triển, tỉnh Bình Dương xác định, hạ tầng khu công nghiệp (KCN), hệ thống giao thông kết nối vùng tiếp tục làm đòn bẩy tạo điều kiện cho ngành CN mũi nhọn phát triển. Toàn tỉnh hiện có 29 KCN với tổng diện tích 12.743 ha. Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh sẽ có 34 KCN với tổng diện tích 14.790 ha. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương đang xây dựng KCN Khoa học công nghệ (KHCN) có diện tích 900 ha tại huyện Bàu Bàng để thu hút các DN KHCN vào đầu tư. Qua đó, hình thành nên một KCN riêng cho các DN trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thu hút được các lao động tri thức và có tay nghề. Mục tiêu xây dựng KCN KHCN này nhằm thúc đẩy phát triển CN vùng phía bắc của tỉnh Bình Dương, vừa sản xuất giá trị gia tăng cao, vừa tập trung vào nghiên cứu và phát triển KHCN, đào tạo nguồn nhân lực. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: Tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Ðồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành CNC, giá trị gia tăng cao, ít sử dụng lao động, thân thiện với môi trường. Gắn kết và khai thác lợi thế từ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Vùng KTTÐPN...
Xác định việc huy động hiệu quả nguồn lực xã hội để thúc đẩy năm mũi nhọn kinh tế, trong đó CN là hàng đầu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực để kiến tạo, xây dựng một môi trường đầu tư tốt nhất, tích cực nhất. Ðịa phương này tiếp tục kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi, lựa chọn công tâm, có trách nhiệm với DN, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư những dự án lớn, tạo sức lan tỏa trên năm mũi nhọn kinh tế là CN, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng CNC. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: Lãnh đạo tỉnh luôn nhận thức sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm luôn đặt lợi ích của tỉnh và nhân dân lên cao nhất trong mỗi quyết định và chủ trương. Trong đó, luôn kiên định phương châm thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, có giá trị tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường. Ðồng thời, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế đi đôi với quan tâm vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ðặt toàn ngành CN trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia đưa ra cách tiếp cận mới theo hướng đổi mới sáng tạo. Theo đó, Vùng KTTÐPN cần xây dựng hệ sinh thái cho tất cả các ngành cùng cạnh tranh và phát triển theo xu hướng cách mạng CN 4.0. Cùng với đó là xây dựng, phát triển một hệ sinh thái nhằm chuyển đổi các ngành CN hiện hữu, bao gồm cả các ngành CN được xem là mũi nhọn theo hướng thông minh, đổi mới sáng tạo và hiệu quả. PGS, TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các địa phương trong Vùng KTTÐPN không nên phát triển CN theo cách truyền thống vì đã đến điểm giới hạn. Thực tế, cứ tăng về số lượng CN gia công, như da giày, dệt may dẫn đến nhiều vấn đề của xã hội, ô nhiễm môi trường mà các tỉnh đã và đang phải giải quyết. Do đó, phải đổi mới, sáng tạo để tạo cú huých, nếu không sự phát triển ở đây sẽ chững lại và thực tế cho thấy, mấy năm gần đây tăng trưởng của vùng đã chậm lại. Ðột phá ở đây là phải tiến đến CNC và phương pháp quản lý mới. Từ đó, tăng năng suất lao động, giải quyết các vấn đề xã hội, theo ba yếu tố: kinh tế phát triển cao, xã hội được hài hòa và nhất là vấn đề môi trường phải kiểm soát chặt chẽ. Trong điều kiện hiện nay, các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh cần phải có một cách nhìn mới, theo tư duy mới, đó là tiếp cận nền kinh tế tri thức và nền kinh tế của cuộc cách mạng CN 4.0, để đưa chuẩn mực mới vào trong phát triển, cũng đặt ra yêu cầu mới, cách làm mới để Vùng KTTÐPN phát triển.
Nguồn: Báo Nhân dân 

lên đầu trang