Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 04:59

Thứ sáu, 10/05/2024 | 04:59

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:39 ngày 19/06/2020

Hơi nước, nguồn năng lượng tái tạo của tương lai

Chúng ta có thể đã biết tới năng lượng mặt trời, gió, nước, địa nhiệt và sóng biển. Nhưng ít ai biết rằng hơi nước trong khí quyển cũng có thể trở thành một nguồn cấp điện tái tạo cực kỳ tiềm năng trong tương lai gần.
Điều này nghe có vẻ phi lý nhưng hoàn toàn có thể trở thành sự thật nhờ sự tương tác giữa các phân tử nước và bề mặt kim loại.
Giáo sư Colin Price đã hợp tác với Giáo sư Hadas Saaroni và nghiên cứu sinh Judi Lax, Trường Khoa học môi trường và trái đất thuộc Đại học Tel Aviv, phát triển một loại pin điện áp siêu nhỏ, chỉ sử dụng độ ẩm trong không khí để tạo ra điện.
Giáo sư Price cho biết: "Chúng tôi đã tìm cách tận dụng hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, đó là tạo ra điện từ nước. Nguồn điện trong giông bão được tạo ra từ nước, bao gồm hơi nước, giọt nước và băng. Các đám mây hình thành cũng là hiện tượng thu thập các giọt nước, tạo ra những tia lửa điện khổng lồ, cụ thể là tia sét".
Mục tiêu của các nhà nghiên cứu không phải là tạo ra hiện tượng phóng điện mà là để kiểm tra xem liệu viên pin nhỏ của họ có thể sạc được bằng hơi nước trong không khí hay không. Và cuối cùng thử nghiệm của họ đã thành công.
Nghiên cứu này dựa nhiều vào những phát hiện và quan sát từ thời xưa. Vào thế kỷ 19, nhà vật lý người Anh Michael Faraday đã quan sát thấy những giọt nước có thể tích điện trên các bề mặt kim loại do ma sát. Hay theo một vài nghiên cứu gần đây xác nhận một số kim loại có thể tích điện nếu chúng tiếp xúc với độ ẩm.
Để thử nghiệm nguyên mẫu pin, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm xác định điện áp giữa hai kim loại khác nhau khi tiếp xúc với độ ẩm cao. Một trong những kim loại này được nối đất.
Giáo sư Price giải thích: "Chúng tôi thấy rằng không có điện áp giữa hai kim loại trong trường hợp không khí khô. Nhưng khi độ ẩm tương đối tăng lên trên 60%, điện áp bắt đầu xuất hiện trên bề mặt kim loại. Khi chúng tôi hạ thấp độ ẩm xuống dưới 60%, điện áp ngay lập tức biến mất. Thực hiện thí nghiệm bên ngoài trong điều kiện tự nhiên, chúng tôi cũng thu được kết quả tương tự".
Giáo sư Price nhấn mạnh: "Nước là một phân tử rất đặc biệt. Trong quá trình va chạm giữa các phân tử, nó có thể truyền một điện tích từ phân tử này sang phân tử khác. Thông qua ma sát, nó có thể tạo ra một loại tĩnh điện. Chúng tôi cố gắng tái tạo điện trong phòng thí nghiệm và phát hiện ra rằng các bề mặt kim loại bị cô lập khác nhau sẽ tích tụ các lượng điện tích khác nhau từ hơi nước trong khí quyển, khi độ ẩm không khí tương đối trên 60%".
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng độ ẩm chính xác là một nguồn năng lượng có thể tái sử dụng và sản xuất liên tục. Không khí ẩm có thể sạc các bề mặt với điện áp xấp xỉ 1V. Ngoài ra phương pháp này có thể cung cấp điện tới vùng sâu vùng xa, ở các nước đang phát triển, nơi lưới điện khó có thể vươn tới.
Ngọc Diệp (Theo https://www.sciencedaily.com/releases/2020/06/200609122912.htm) 

lên đầu trang