Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:00

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:00

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 15:42 ngày 30/06/2020

Hướng đi mới cho mô hình chợ truyền thống

Trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại, nhiều chợ truyền thống đã được quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, việc “khoác áo mới” cho các chợ truyền thống theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã đặt ra bài toán chưa có lời giải về tính hiệu quả, những bất cập không chỉ gây bức xúc đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh mà còn làm thất thu ngân sách nhà nước. Ðã đến lúc cần phải tìm hướng đi mới cho các chợ truyền thống nhằm bảo đảm vừa giữ gìn văn hóa riêng, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (NTD).

Khách hàng chọn mua hoa quả tại chợ Xanh, Văn Quán (Hà Nội).
BÀI 1: Sức ép cạnh tranh
Ðến nay, chợ truyền thống vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do hình thành từ lâu đời nên mạng lưới chợ truyền thống vẫn tồn tại một số hạn chế như cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, mất an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường,... Ðể đáp ứng nhu cầu phát triển của các đô thị hiện đại, chợ truyền thống cần được đổi mới về không gian, môi trường và cả phương thức kinh doanh cho phù hợp.
Hoạt động kém hiệu quả
Nằm ở vị trí đắc địa trên đường 70, chợ Thương mại Cầu Bươu (huyện Thanh Trì, Hà Nội) từng được kỳ vọng sẽ góp phần làm “thay da đổi thịt”, tạo nên diện mạo mới cho lĩnh vực kinh doanh chợ truyền thống trên địa bàn và các vùng lân cận khi đầu tư xây dựng các dãy nhà khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, sau khi được nâng cấp từ chợ dân sinh lên chợ thương mại đến nay đã gần 5 năm nhưng các hộ kinh doanh vào chợ mới chỉ chiếm khoảng 60%, số còn lại bị bỏ trống gây thất thu đối với doanh nghiệp (DN). Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hà Khánh (đơn vị quản lý chợ Thương mại Cầu Bươu) Trần Thị Hằng cho biết, chợ được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng trên nền diện tích hơn 21 nghìn m2. Trong đó, có ba dãy nhà xây dựng kiên cố và một dãy chợ tạm cho các hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, thịt, cá,... Tuy nhiên, do mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến đường 70 đông, đã gây ùn tắc, bất lợi đối với việc ra vào chợ, làm giảm sức hút đầu tư. Ðến nay, toàn bộ dãy nhà chính (khu nhà 2,5 tầng) gần như bỏ trống, các dãy khác cũng ở tình trạng “cửa đóng, then cài”. Mặc dù DN ra sức kêu gọi các tiểu thương, hộ kinh doanh vào trong chợ buôn bán nhưng hiệu quả vẫn không như kỳ vọng nên tổng thu hiện tại chưa được 10% so với số vốn đầu tư. Ðể chợ hoạt động hiệu quả, thời gian tới, DN sẽ tiếp tục nâng cấp khu chợ tạm bằng khung mái tôn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh văn minh thương mại thay vì những lều lán, ô dù trông rất lụp xụp, gây mất mỹ quan như hiện nay. Ðồng thời, xây dựng các giải pháp nhằm hỗ trợ, ưu đãi để thu hút các tiểu thương vào chợ kinh doanh buôn bán.
Không chỉ chợ Thương mại Cầu Bươu mà một số chợ thương mại khác tại Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Trương Ðịnh... sau khi được đầu tư xây dựng, nâng cấp từ nền chợ cũ thành các chợ thương mại hiện đại bỗng trở nên đìu hiu, vắng khách. Chị Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Mơ cho biết, khi chợ được xây dựng mới vào năm 2009, chị đã bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng để mua hai gian hàng làm nơi kinh doanh. Những tưởng cơ sở khang trang, hiện đại sẽ giúp việc buôn bán khấm khá lên nhưng thực tế từ nhiều năm nay, tình hình kinh doanh vẫn rất èo uột. Bất cập từ thiết kế tới cơ chế vào chợ nên không thuận tiện cho việc mua bán, chưa kể các tiểu thương bị đẩy xuống dưới hầm, không khí ngột ngạt. Do không có khách, nhiều ki-ốt phải đóng cửa khiến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng bị “bốc hơi” gây lãng phí nghiêm trọng. Nhiều trường hợp không chịu được đã phải “bỏ chợ”, tìm các điểm chung quanh để bán hàng tự phát. Ðiều đó dẫn tới tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, tiểu thương buôn bán trong chợ phải chịu nhiều loại thuế, phí nhưng lại rơi vào cảnh ế ẩm, còn người buôn bán tự phát bên ngoài, không phải đóng thuế lại hút hết khách hàng.
Việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, cho tư nhân đầu tư theo hướng văn minh thương mại là chủ trương đúng đắn, nhằm xóa bỏ hình ảnh các chợ hạ tầng đã xuống cấp, nhếch nhác, không bảo đảm về vệ sinh môi trường, tổ chức nguồn hàng, an toàn thực phẩm. Thế nhưng, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, có rất nhiều chợ được quy hoạch thành trung tâm thương mại (TTTM) đã sớm “yểu mệnh” hoặc đang “hấp hối” bởi chỉ có xác mà không hồn. Một số chợ truyền thống trước đây vốn rất đông đúc, sau khi chuyển đổi công năng, cải tạo, xây dựng lại thành TTTM theo mô hình mới đã bộc lộ nhiều hạn chế cho nên không thuận tiện cho việc mua bán, dẫn tới “lệch pha” cung - cầu; không đáp ứng được nhu cầu của chợ dân sinh, cũng không thể đáp ứng vai trò là TTTM (nơi dành cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp). Kết quả, chợ truyền thống mất dần, TTTM mới mọc lên đìu hiu, ế ẩm. Ðiều đó trái ngược với các chợ truyền thống khi có vốn đầu tư ít, dù quang cảnh nhếch nhách nhưng luôn tấp nập, đông người mua bán.
Lý giải vấn đề này, Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thống Nhất (đơn vị quản lý chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Trần Quốc Cường cho biết, chợ truyền thống có các lợi thế về giá thuê ki-ốt thấp, lượng hàng phong phú ở khắp nơi đổ về, như chợ Phùng Khoang luôn có mức giá bán thấp hơn từ 5 - 10% so với nơi khác nên lượng khách đến mua bán đông đúc. Ðiều này trái ngược so với các TTTM, siêu thị hiện đại khi giá cho thuê mặt bằng cao; cách ly với nhiều hình thức kinh tế khác, phải có mặt hàng độc, bắt buộc vào mới mua được thì khách mới tìm đến, còn không họ sẽ lựa chọn những địa điểm thuận tiện, hợp lý hơn để làm chỗ kinh doanh buôn bán. Tương tự, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) Nguyễn Duy Hiếu khẳng định, đối với chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm cung ứng lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân chứ không nên đầu tư hoành tráng, thu mức phí cao, để rồi các tiểu thương quay lưng, bỏ chợ như một số TTTM, siêu thị đã gặp phải trong thời gian qua.
Cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại
Kênh bán lẻ truyền thống hiện vẫn chiếm khoảng 70% thị phần bán lẻ, trong đó chợ truyền thống chiếm khoảng 40%. Ðiều này cho thấy, vai trò của kênh bán lẻ tại chợ truyền thống vẫn rất quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng, nhất là với các đối tượng thu nhập trung bình thấp trong xã hội. Trong vài năm gần đây, các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng xây dựng và cải tạo các chợ, Bộ Công thương cũng có cả một đề án phát triển chợ với tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, các điều kiện cần và đủ để đầu tư và phát triển, duy trì sự hoạt động của chợ lại là một chuyện khác. Hiện chợ truyền thống đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện hàng loạt các thương hiệu bán lẻ hiện đại trong nước và nước ngoài như Lotte Mart, Co.op Mart, Big C, VinMart,… với hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini len lỏi vào các khu dân cư tại thành phố, thị xã và ở cả khu vực nông thôn. Tại một số siêu thị, cửa hàng, nhiều sản phẩm có giá rẻ hơn so với ở chợ truyền thống do được nhập trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua trung gian nên giảm được chi phí. Thời gian mở cửa của các siêu thị, trung tâm mua sắm linh hoạt, cả ngày chứ không theo giờ, theo phiên như chợ truyền thống; khách hàng có thể mua được hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng tại một địa điểm thay vì di chuyển nhiều chợ, cửa hàng để mua các chủng loại hàng hóa khác nhau cũng là những yếu tố khiến người dân lựa chọn hình thức mua sắm này.
Dự báo năm 2020, cả nước có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 TTTM và các mô hình bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh trong thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì vị thế của chợ truyền thống. Ðây được xem như quy luật tất yếu, nằm trong thông lệ phát triển thị trường bán lẻ nhiều nước của khu vực. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, khi được hỏi về xu hướng lựa chọn kênh bán lẻ trong tương lai thì có tới 70% số NTD trả lời không lựa chọn chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa để phục vụ cho nhu cầu mua sắm. Phần lớn sẽ lựa chọn siêu thị, cửa hàng tiện lợi là nơi mua sắm thường xuyên cho mình. Vấn đề này cho thấy hành vi của NTD đang dần được thay đổi, bởi nhu cầu, thu nhập của NTD đang ngày càng được nâng cao nên thói quen mua sắm của họ cũng đang dần thay đổi. NTD ngày càng mong muốn được tiếp xúc với những kênh bán lẻ hiện đại, cao cấp hơn, bảo đảm chất lượng cho những hàng hóa mà họ lựa chọn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cuộc đua tranh giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại sẽ mang lại nhiều lợi ích cho NTD và cả nền kinh tế. Song, cũng không thể phủ nhận, thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn vẫn thiên về mua sắm tại các kênh chợ truyền thống một phần vì tiện, gần nhà, mặt khác, chợ truyền thống vẫn hơn các cửa hàng tiện lợi ở chữ “tình”, có thể mặc cả, thuận mua vừa bán. Chính vì vậy, chợ truyền thống vẫn còn tiềm năng rất lớn cho sự phát triển, đã đến lúc cần được các nhà hoạch định chính sách, DN quản lý các chợ nhìn nhận lại để đưa ra những định hướng phát triển phù hợp hơn trong tương lai.
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Ðinh Thị Mỹ Loan, kênh bán lẻ hiện đại mang lại cho NTD những trải nghiệm mua sắm mà bán lẻ truyền thống không có được. Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng liên tục, nhanh chóng của thị trường bán lẻ và “cuộc đua kỳ thú” giữa bán lẻ truyền thống và hiện đại. Mô hình bán lẻ hiện đại với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các tiện ích đi kèm theo mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp đang ngày càng được NTD ưa chuộng. Dù được đánh giá là ít lợi thế, chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhưng với những đặc tính về phong tục, tập quán, tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, gắn bó đời sống nên chợ truyền thống, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa vẫn sẽ còn đất sống nếu biết thay đổi, hướng về văn minh thương mại. Các chợ truyền thống cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá cả rõ ràng, phù hợp xu hướng hội nhập, mới có thể hấp dẫn được NTD trong tương lai.
(Còn nữa)
Báo Nhân dân
lên đầu trang