Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 03:18

Thứ tư, 08/05/2024 | 03:18

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 17:28 ngày 19/07/2020

Chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm

Chiếm 15% thị phần cả nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD) thịt gia súc, thực phẩm chế biến từ thịt và rau, củ, quả, nhiều năm qua, sản phẩm của Công ty Vissan liên tục được người tiêu dùng (NTD) bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Nguyên nhân do DN này luôn chú trọng cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn - chất lượng - vệ sinh - giá cả hợp lý. Đặc biệt, trong các thời điểm lễ, Tết, sản phẩm của Vissan vẫn có giá cả ổn định. 
Thị trường nội địa còn dư địa rất lớn cho hàng Việt
Vissan được đánh giá là một trong những DN làm tốt bài toán chinh phục thị trường bằng chính chất lượng, giá cả. Đây cũng là những yếu tố làm tăng sức cạnh tranh cho DN Việt tại thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. 
Theo nhiều nghiên cứu, năng lực sản xuất của DN nước ta rất lớn, tuy nhiên chưa khai thác hết tiềm năng thị trường trong nước mà vẫn dành phần nhiều cho XK. Lý do được nhiều DN đưa ra là, làm hàng nội địa khá "lắt nhắt" khi vừa phải sản xuất, vừa quảng bá, vừa phát triển hệ thống phân phối, thay vì chỉ sản xuất theo đơn như hàng XK. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, thị trường nội địa thực sự là mảnh đất màu mỡ mà DN chưa khai thác hết. Để chinh phục được thị trường này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, giai đoạn tới, DN trong nước phải tạo được những sản phẩm đủ sức chinh phục người Việt, dành được sự tự hào của người Việt.
Theo đó, các DN trong nước cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện cho khối DN tư nhân trong nước phát triển mạnh, tự chủ trên thị trường, không dựa dẫm vào ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Trong suốt 11 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ), từ "ưu tiên" đến "tự hào" dùng hàng Việt Nam là sự chuyển biến rất lớn, cho thấy nhận thức của người dân đã được thay đổi.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều DN có hành động tư lợi, tự bán rẻ thương hiệu, hạ chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Do vậy, bên cạnh việc liên tục kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chuyên môn để ngăn chặn những hành vi xấu, hỗ trợ cùng người dân chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi cho NTD.
"Bên cạnh đó, DN cần có trách nhiệm trong khâu sản xuất, duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm do mình làm ra. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh với các hành vi SXKD hàng nhái, hàng giả. Từ đó xóa bỏ tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn tồn tại trên thị trường Việt Nam"- ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện CVĐ:
DN trong nước cần ý thức nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, để không chỉ NTD ưu tiên dùng hàng Việt Nam, mà hàng hóa Việt Nam có thể chinh phục được NTD.
Theo Báo Công thương
lên đầu trang