Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:37

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:37

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 13:48 ngày 10/08/2020

Chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện: Chuẩn hóa năng lực doanh nghiệp, quản lý dự án

Lần đầu tiên Việt Nam đã có bộ cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước và bộ quy trình về quản lý dự án, thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện. Đó là kết quả nổi bật của đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791”.
Thiếu quy trình, chế tài thúc đẩy nội địa hóa
Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện áp dụng Cơ chế 1791” là một trong 12 nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” do Bộ Công Thương (đại diện là Vụ Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ cho Viện Nghiên cứu Cơ khí nghiên cứu.
Tại phiên họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài do Viện Nghiên cứu Cơ khí vừa tổ chức mới đây, thạc sĩ Đinh Viết Hải, thành viên tham gia nhóm nghiên cứu cho biết, trong nước có nhiều nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng các định hướng chiến lược phát triển ngành cơ khí, ngành đúc, tự động hoá... Tuy nhiên, phổ đề cập của những quy hoạch này khá rộng, cộng với thiếu những chế tài cụ thể nên đa số các quy hoạch này khi triển khai áp dụng để thực hiện cho các hạng mục của nhà máy nhiệt điện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thạc sĩ Đinh Viết Hải thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Cụ thể hơn, chưa có nghiên cứu cụ thể phục vụ cho việc chỉ đạo áp dụng cho các dự án nhà máy nhiệt điện; hiện tại hầu như chưa có cơ sở dữ liệu cập nhật về năng lực sản xuất các đơn vị. Các đánh giá năng lực thường chung chung, chưa có định hướng rõ ràng phục vụ cho mục đích tư vấn, thiết kế và chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các doanh nghiệp trong thời gian qua còn dàn trải, chưa hiệu quả và thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp để thực hiện các hạng mục công việc có giá trị lớn, giá trị gia tăng cao. Với các thiết bị của nhà máy nhiệt điện, một số doanh nghiệp cơ khí trong nước đã tham gia chế tạo một phần thiết bị với tư cách là nhà thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài nhưng tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo hoàn toàn dựa vào các nhà thầu nước ngoài.
Do chỉ là nhà thầu phụ trong chế tạo các thiết bị nhiệt điện, việc quản lý dự án còn nhiều hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp chưa có quy trình quản lý dự án đồng bộ. Chưa có chế tài quan lý tiến trình nội địa hóa, một số doanh nghiệp cơ khí khi được Chính phủ giao dự án để nội địa hóa lại đi nhập khẩu của nước ngoài, thực hiện sai sự chỉ đạo của Chính phủ.
Thạc sĩ Đinh Viết Hải cho rằng, việc điều tra, khảo sát lại năng lực của các doanh nghiệp cơ khí trong nước với các tiêu chí phục vụ cho việc tham gia cung cấp các hạng mục theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025”, từ đó đề xuất các giải pháp đầu tư, nâng cấp năng lực sản xuất có định hướng và xây dựng một bộ quy chế phối hợp tổ chức thực hiện các hạng mục rất cần thiết.
“Yêu cầu cần đặt ra là cần xây dựng một bộ quy trình chung cho tất cả các doanh nghiệp trong nước về quản lý dự án, thiết kế, chế tạo sản phẩm theo Quyết định 1791 nhằm đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng sản phẩm của toàn bộ chương trình, chuyên nghiệp hóa, chính quy hóa quá trình sản xuất” - Thạc sĩ Đinh Viết Hải nhấn mạnh.
Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu
Theo đó, mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho từng hạng mục được nội địa hóa theo hướng chuyên môn hóa; xây dựng và đề xuất được cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện các nội dung theo Quyết định 1791; xây dựng bộ quy trình về quản lý dự án thực hiện thiết kế, chế tạo các thiết bị nhiệt điện theo Quyết định 1791/QĐ-TTg.
Thạc sĩ Đinh Viết Hải khẳng định, đây là một đề tài mới, đáp ứng yêu cầu cao về tính cụ thể, về định hướng tổ chức sản xuất trong môi trường hợp tác phát triển - vốn là yếu điểm của các doanh nghiệp cơ khí, là đề tài tạo “đường dẫn” kết nối từ chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ đến tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm. Đề tài gắn liền với việc xây dựng một lộ trình nội địa hoá từng hạng mục hệ thống thiết bị, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án tương tự.

Đề tài đã đưa ra lộ trình thiết kế, chế tạo trong nước cho từng hạng mục thiết bị nhà máy nhiệt điện
Đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện, nhóm đề tài đã hoàn thành 100% các sản phẩm đã đăng ký, đảm bảo khối lượng và chất lượng theo hợp đồng và thuyết minh được duyệt, hoàn thành tổng cộng 148 chuyên đề khoa học. Cụ thể gồm: Báo cáo nghiên cứu tìm hiểu về công nghệ các nhà máy nhiệt điện chạy than và chính sách và kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị nhiệt điện của một số nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, báo cáo xây dựng về mô hình tổ chức, cơ chế phối hợp giữa dự án khoa học công nghệ và dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện trong nước; các quy định về tổ chức thực hiện các hợp đồng thiết kế, chế tạo các thiết bị nội địa hóa, quy chế kiểm tra, giám sát và chế tài kiểm soát việc thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước.
Đáng chú ý, là bộ cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho 11 hạng mục nội địa hoá theo hướng chuyên môn hoá; bộ quy trình về quản lý dự án, thực hiện thiết kế, chế tạo 11 hạng mục thiết kế, chế tạo trong nước; báo cáo đề xuất lộ trình nội địa hóa cho 11 hạng mục theo Quyết định 1791 và báo cáo đề xuất lộ trình đầu tư nâng cao năng lực các doanh nghiệp để nâng dần tỷ lệ nội địa hoá; những đề xuất về cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí thực hiện Quyết định 1791/QĐ-TTg.
“Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài cùng với cơ quan chủ trì đề tài đã chú ý tới công tác trao đổi thông tin nghiên cứu với các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế. Thông qua hoạt động trao đổi thông tin, đã nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích và đề xuất các chính sách, các giải pháp quản lý - kỹ thuật phù hợp với điều kiện trong nước cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu” - Thạc sĩ Đinh Viết Hải chia sẻ.
Theo đánh giá chung của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài, đề tài đã đảm bảo tiến độ đề ra và hoàn thành đầy đủ số lượng, chủng loại, chất lượng các sản phẩm khoa học và công nghệ theo “đặt hàng” của Bộ Công Thương. Kết quả của đề tài có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, đóng góp vào việc phát triển được ngành công nghiệp cơ khí trong nước.
Từ việc triển khai đề tài đã đưa ra lộ trình thiết kế, chế tạo trong nước cho từng hạng mục thiết bị nhà máy nhiệt điện cũng như lộ trình đầu tư nâng cao năng lực các doanh nghiệp, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa để đạt được mục tiêu của Quyết định 1791/QĐ-TTg.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang