Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:20

Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:20

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:16 ngày 28/07/2020

Viện Nghiên cứu cơ khí: Đối tác tin cậy

Không chỉ đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, các đề tài Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) thực hiện còn giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.    
Tổng thầu công trình lớn
Viện Nghiên cứu cơ khí là cơ quan nghiên cứu, triển khai đầu ngành của nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá. Viện có ưu thế nghiên cứu về công nghệ nền, tạo ra được các công nghệ mũi nhọn để phát triển ngành cơ khí - tự động hóa. Những kinh nghiệm nghiên cứu và công nghệ tích lũy được trong quá trình phát triển, kết hợp với sự hỗ trợ thường xuyên của nhà nước, thông qua việc cấp kinh phí các đề tài KH&CN là một lợi thế của Viện. Trung bình mỗi năm, Viện thực hiện 7 - 12 đề tài/nhiệm vụ KH&CN các cấp.

Trung bình mỗi năm Viện thực hiện 7 - 12 đề tài/nhiệm vụ
Thời gian qua, Viện đã tham gia vào nhiều chương trình kinh tế lớn của đất nước trong các ngành công nghiệp xi măng, thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp khai thác và chế biến bô xít, giàn khoan… Cụ thể, dấu ấn của Viện trong lĩnh vực nhiệt điện đều gắn với những công trình trọng điểm như: Tổng thầu EPC cho hệ thống lọc bụi tĩnh điện Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; tổng thầu EPC cho hệ thống tro thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và là tổng thầu EPC cho hệ thống vận chuyển than Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1…
Trong lĩnh vực thủy điện, ngoài việc tham gia đề xuất chiến lược nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, Viện còn bắt tay vào thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho 20 dự án, với công suất từ 120 - 2400 MW; thiết kế hệ thống tự động hóa nhà máy thủy điện nhỏ công suất tới 24 MW.
Chiến lược dài hạn
Theo Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, tính đến cuối tháng 6/2020, viện đã ký hợp đồng kinh tế đạt hơn 500 tỷ đồng. Hầu hết các hợp đồng kinh tế thực hiện thành công của viện đều là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích lũy trong cả giai đoạn 5 năm, thậm chí gần 10 năm, thông qua quá trình thực hiện các đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp quốc gia.
Đến nay, Viện đã là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Doosan… cũng như các tập đoàn trong nước như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Vingroup… Một số sản phẩm, giải pháp của Viện đã trực tiếp cạnh tranh và thắng thầu các công ty lớn của nước ngoài mà trước đó Viện tham gia làm thầu phụ.
Tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu cơ khí mới đây, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - ghi nhận hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học xuất phát từ các đề tài các cấp Bộ, cấp quốc gia của Viện thời gian qua, thậm chí đã trở thành lợi thế cạnh tranh cung cấp dịch vụ KH&CN. Tuy nhiên, ông Trần Việt Hòa lưu ý, thời gian tới, với điều kiện nguồn lực KH&CN có hạn nên Bộ Công Thương sẽ tập trung vào những đề xuất với tiêu chí hiệu quả và đủ tầm, nhằm tránh dàn trải.
Theo đó, Viện cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trên cơ sở phát huy các thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu phát triển, với định hướng gắn hoạt động KH&CN của Viện với hoạt động KH&CN của ngành Công Thương. Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ KH&CN phải nhằm giải quyết cơ bản trọn vẹn vấn đề của một lĩnh vực hay ngành thông qua chùm hoặc chuỗi nhiệm vụ.
Các đề tài do Viện Nghiên cứu cơ khí thực hiện tập trung phục vụ nhiều ngành như xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, dầu khí, khai khoáng… Trong các ngành công nghiệp khác, Viện tập trung nguồn năng lực để nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống phao nổi, neo, cho các dự án điện mặt trời…
Quỳnh Nga (Báo Công Thương) 
lên đầu trang