Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 06:47

Thứ hai, 20/05/2024 | 06:47

Chính sách

Cập nhật lúc 14:04 ngày 14/08/2014

Để khoa học và công nghệ gắn kết hơn với sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển KH&CN vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, đặt hàng trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu còn mờ nhạt...

 

Đề tài KHCN nồi hơi cấp nhiệt sử dụng vật liệu nứa vầu được Sở KH&CN Hà Nội chuyển giao cho người dân xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa)

đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu khí thải ô nhiễm ra môi trường. 

Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiệm vụ nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng nông, lâm nghiệp. Từ một đơn vị có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, hiệu quả kinh doanh thấp, sau mười năm đổi mới, lấy KH&CN làm động lực để phát triển, công ty đã nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô, thị phần kinh doanh, trở thành một trong những công ty giống cây trồng lớn của Việt Nam. Năm 2011, công ty đã chính thức được Sở KH&CN Hà Nội công nhận là doanh nghiệp KH&CN của Thủ đô. Trong thời gian qua, công ty đã nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao thành công nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh cao, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu như giống lúa lai hai dòng VS1, Trân Châu Hương, Thiên Ưu 8, RVT, KDĐB..., được nông dân tín nhiệm, gieo trồng với diện tích gần một triệu ha/năm. Công ty cũng đã chọn tạo được năm giống ngô lai F1 có khả năng cạnh tranh với các giống ngô của các tập đoàn sản xuất giống ngô lớn trên thế giới, trong đó giống HN88 có năng suất và chất lượng ngon nhất tại Việt Nam hiện nay, được thị trường rất ưa chuộng... Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thành công đã giúp công ty đạt tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Cụ thể, chỉ sau mười năm, từ năm 2003 đến 2013, doanh thu của đơn vị đã tăng từ gần 50 tỷ đồng lên gần 580 tỷ đồng, gấp 12 lần, trong đó doanh thu sản phẩm công nghệ từ con số không đã tăng lên 350 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 351 lần.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương Trần Kim Liên cho biết, để đạt sự tăng trưởng như vậy là nhờ đơn vị đã mạnh dạn đầu tư KH&CN, với mức kinh phí từ 3 đến 5% doanh thu, tương đương 25 tỷ đồng/năm; huy động được đội ngũ chuyên gia tạo giống đầu ngành, có cơ chế gắn kết quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương và người nông dân... Đặc biệt, công ty luôn gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng và sẵn sàng nhận các "đơn đặt hàng" từ phía người nông dân để nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giống cây trồng mới, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục tập trung nghiên cứu phát triển, tìm kiếm những công nghệ mới, gắn kinh doanh giống với dịch vụ KH&CN.

Theo số liệu của Sở KH&CN Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã ứng dụng, chuyển giao thành công gần 90 dự án, đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó nổi bật là các ứng dụng KH&CN nâng cao chất lượng cây, con giống; chế biến bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; bảo vệ môi trường làng nghề... Nhiều dự án, đề tài có hiệu quả kinh tế - xã hội cao như: nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật phát triển giống nhãn chín muộn, xây dựng mô hình ứng dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Aniaf SH-01 và một số sản phẩm sinh học trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn Hà Nội; nghiên cứu, thiết kế hệ thống sấy nguyên liệu nứa, vầu... Năm 2012, Sở KH&CN Hà Nội phối hợp Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật trồng hoa cát tường, có xuất xứ từ Nhật Bản, tại đồng đất Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Cây hoa sinh trưởng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao; cánh hoa dày, mầu tím, đẹp, tươi hơn mười ngày, được thị trường rất ưa chuộng. Năng suất đạt hơn 170 nghìn cành hoa/1.000 m2. Từ kết quả này, Sở KH&CN Hà Nội đang xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật ươm cây hoa cát tường giống nhằm phát triển, bổ sung cơ cấu giống hoa mới tại Hà Nội.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hợp lý, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích hoạt động KH&CN, nhưng kết quả nghiên cứu, ứng dụng, nhất là công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Nhiều vấn đề bức xúc, nóng bỏng trong nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức... Vì vậy trong những năm tới, ngành KH&CN Thủ đô sẽ chủ động tiếp nhận "đơn đặt hàng" từ phía thành phố, chính quyền các cấp và người nông dân để nghiên cứu, tìm ra các giải pháp kỹ thuật hữu ích, các công nghệ mới trong các lĩnh vực nước sạch, xử lý môi trường, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, trong đó đặc biệt tập trung vào những khâu có giá trị gia tăng cao như giống cây, con, chế biến, nuôi trồng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Mai Anh Theo Báo Nhân dân

lên đầu trang