Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 19:36

Thứ sáu, 26/04/2024 | 19:36

Chính sách

Cập nhật lúc 11:23 ngày 19/08/2020

Ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại: Không để bị động trong mọi tình huống

Xu hướng các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang gia tăng, vì vậy, việc chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng ứng phó đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp (DN). Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) - đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, thời gian gần đây, một số mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam bị nước ngoài khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG), Cục PVTM nhận định như thế nào về các vụ việc này?

Thép là một trong những mặt hàng bị điều tra CBPG nhiều nhất
Xu hướng nước ngoài khởi xướng điều tra CBPG đối với các mặt hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam, nhất là đối với nhóm mặt hàng kim loại và sản phẩm kim loại, gần đây diễn ra thường xuyên hơn. Lý do: Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, năng lực sản xuất gia tăng nên các mặt hàng XK của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại và có sự tăng trưởng nhanh về kim ngạch. Thứ hai, cùng với chủ trương tích cực hội nhập kinh tế, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa XK của Việt Nam được dỡ bỏ ngày càng nhiều, có tính cạnh tranh cao hơn tại các thị trường nhập khẩu (NK) cũng tạo áp lực đối với các DN sản xuất nội địa tại thị trường NK. Điều này buộc họ phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình. Thứ ba, biện pháp CBPG là một công cụ chính sách thường xuyên được các nước sử dụng trong thương mại quốc tế, trong đó, nhóm hàng kim loại có tần suất bị áp dụng biện pháp CBPG nhiều nhất; trung bình, cứ khoảng 4 vụ việc xảy ra, có 1 vụ việc liên quan đến nhóm hàng này.
Có thể thấy, qua các vụ việc điều tra, một số DN và hiệp hội trong nước bước đầu đã có kinh nghiệm, chủ động nguồn lực và hợp tác tích cực. Tuy nhiên, các DN Việt Nam sẽ đối mặt với một số hạn chế khi bị điều tra do ở nhiều quốc gia, pháp luật về PVTM nói chung và CBPG nói riêng đã có từ rất lâu. Trong khi đó, pháp luật về PVTM tại Việt Nam mới được hình thành và phát triển trong khoảng 15 năm gần đây, vì vậy, nhiều DN chưa thể hiểu rõ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra. Ngoài ra, DN còn rất hạn chế về nguồn lực ứng phó, trở ngại ngôn ngữ, bị hạn chế về thời gian cung cấp các thông tin phục vụ điều tra.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương)
Xin ông cho biết về các giải pháp mà Cục PVTM - theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương - đã thực hiện để nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của DN trong nước?
Cục PVTM luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để DN quan tâm có thể thường xuyên theo dõi. Bên cạnh đó, với tinh thần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các DN sản xuất, XK của Việt Nam, Cục luôn theo sát, hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ, hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc. Bên cạnh đó, Cục nỗ lực đưa các nội dung đào tạo, tập huấn vào hoạt động của ngành Công Thương nhằm nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn với vụ kiện PVTM cho DN.
Trước “làn sóng” áp dụng biện pháp PVTM của nhiều quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19, theo ông, DN cần lưu ý vấn đề gì để chủ động ứng phó hiệu quả?
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cấu trúc thương mại toàn cầu đã trải qua thay đổi đáng kể, khi một số Chính phủ áp đặt các chính sách hạn chế hơn do căng thẳng thương mại, tăng trưởng chậm lại và phản ứng trái chiều đối với toàn cầu hóa. Với tình hình hiện nay, dịch bệnh chưa thể kiểm soát và tiếp tục kéo dài, sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng của thương mại và kinh tế toàn cầu. Do đó, xu hướng bảo hộ và áp dụng biện pháp PVTM sẽ tiếp tục gia tăng. Các DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu, trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, đặc biệt là các quy định pháp luật về PVTM của những thị trường đang và sẽ XK; xây dựng chiến lược XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Về phía Cục PVTM, nhận thức được những khó khăn, phức tạp của môi trường thương mại toàn cầu trong tình hình mới, Cục xác định ba nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, hỗ trợ, đồng hành cùng DN sản xuất, XK ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài; trong đó, tập trung vào các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Canada, Úc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, tập trung nguồn lực cho các hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất trong nước trên cơ sở hồ sơ đề nghị của đơn vị bị thiệt hại do sự gia tăng của hàng NK. Thứ ba, phối hợp với cơ quan chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết 119/NQ-CP về tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh PVTM.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang