Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 19:17

Thứ ba, 07/05/2024 | 19:17

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 14:03 ngày 28/08/2020

Nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện

Thông qua triển khai đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791", đã hoàn thiện Bộ cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước cho những hạng mục nội địa hóa trong thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện.
Đề tài "Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791" là một trong 12 nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW" do Bộ Công Thương (đại diện là Vụ KH&CN) hỗ trợ cho Viện Nghiên cứu Cơ khí nghiên cứu.
Thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện
Thạc sĩ Đinh Viết Hải - thành viên tham gia nhóm nghiên cứu - cho biết, việc điều tra, khảo sát lại năng lực của DN cơ khí trong nước với các tiêu chí phục vụ cho việc tham gia cung cấp những hạng mục theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025", từ đó đề xuất giải pháp đầu tư, nâng cấp năng lực sản xuất có định hướng và xây dựng Bộ quy chế phối hợp tổ chức thực hiện các hạng mục rất cần thiết.
Đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện, nhóm đề tài đã hoàn thành 100% các sản phẩm đã đăng ký, bảo đảm khối lượng và chất lượng theo hợp đồng, thuyết minh được duyệt; hoàn thành 148 chuyên đề khoa học. Cụ thể gồm: Báo cáo nghiên cứu tìm hiểu về công nghệ các nhà máy nhiệt điện chạy than, chính sách và kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị nhiệt điện của một số nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, báo cáo xây dựng về mô hình tổ chức, cơ chế phối hợp giữa dự án KH&CN và dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện trong nước; các quy định về tổ chức thực hiện các hợp đồng thiết kế, chế tạo các thiết bị nội địa hóa, quy chế kiểm tra, giám sát và chế tài kiểm soát việc thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước.
Đặc biệt, bộ cơ sở dữ liệu về năng lực các DN cơ khí trong nước cho 11 hạng mục nội địa hóa theo hướng chuyên môn hóa; bộ quy trình về quản lý dự án, thực hiện thiết kế, chế tạo 11 hạng mục thiết kế, chế tạo trong nước; báo cáo đề xuất lộ trình nội địa hóa cho 11 hạng mục theo Quyết định 1791/QĐ-TTg và lộ trình đầu tư nâng cao năng lực các DN để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa; những đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN cơ khí thực hiện Quyết định 1791/QĐ-TTg.
Thạc sĩ Đinh Viết Hải khẳng định, đây là đề tài mới, đáp ứng yêu cầu cao về tính cụ thể, định hướng tổ chức sản xuất trong môi trường hợp tác phát triển. Đề tài cũng tạo "đường dẫn" kết nối từ chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ đến tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm.
Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài cùng với cơ quan chủ trì đề tài đã chú ý tới công tác trao đổi thông tin nghiên cứu với các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế. Thông qua hoạt động trao đổi thông tin, đã nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích và đề xuất các chính sách phù hợp với điều kiện trong nước.
Đề tài đã đảm bảo tiến độ đề ra và hoàn thành đầy đủ số lượng, chủng loại, chất lượng các sản phẩm KH&CN theo "đặt hàng" của Bộ Công Thương. Kết quả của đề tài có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, đóng góp vào phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang