Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 23:08

Thứ tư, 15/05/2024 | 23:08

Chính sách

Cập nhật lúc 11:13 ngày 30/09/2020

Vụ khoa học và công nghệ: Hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Giai đoạn 2016-2020, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) – Bộ Công Thương tập trung vào công tác tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực được phân công; đồng thời đẩy mạnh việc hướng dẫn, thống nhất trong tổ chức triển khai, lấy mục tiêu phát triển doanh nghiệp (DN) làm trọng tâm, từ đó đóng góp vào mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành Công Thương.
Triển khai các định hướng lớn
Vụ KH&CN đã tập trung quán triệt việc triển khai các định hướng lớn của Đảng về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tại Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI; Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW. Hiện nay, Vụ đang tập trung triển khai xây dựng Chiến lược KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 và các định hướng về KH&CN cho các ngành, lĩnh vực và hoạt động ưu tiên…
Máy biến áp nguồn 3 pha 500kV-467MVA do Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh nghiên cứu, thiết kế và chế tạo
Triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Vụ KH&CN đã đẩy mạnh nghiên cứu, hỗ trợ các DN của ngành Công Thương ứng dụng các công nghệ hiện đại, từng bước thực hiện chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh; thông qua hoạt động hợp tác quốc tế với các DN và tổ chức đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, đã góp phần kết nối mang lại những cơ hội lớn cho các DN Việt Nam đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, trong giai đoạn 2016 - 2020, Vụ KH&CN là đơn vị đầu mối triển khai 5 chương trình/đề án KH&CN cấp quốc gia, 2 chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ và Đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương. Các nhiệm vụ tập trung vào hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mang tầm khu vực và quốc tế trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành Công Thương phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như: Sản phẩm giàn khoan tự nâng trong lĩnh vực dầu khí, máy biến áp nguồn 500 KVA 3 pha trong lĩnh vực thiết bị điện, bơm đặc thù và bơm công suất lớn trong lĩnh vực cơ khí, các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện, khai thác khoáng sản, hóa chất…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng đổi mới công nghệ của các DN đã không ngừng được cải thiện ở tất cả các nhóm quy mô, thành phần sở hữu, tỷ lệ DN tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao; hơn 70% DN có hoạt động R&D bắt đầu từ 10 năm trở lại đây, 89,2% DN tự bỏ vốn để thực hiện các hoạt động R&D… Đóng góp của yếu tố năng suất các yếu tố tổng hợp TFP của nhóm các ngành công nghiệp chủ lực giai đoạn 2015- 2018 đạt mức trên 50%. KH&CN và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng trong tăng trưởng ngành, giúp thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020.
Nâng cao công tác tiêu chuẩn, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm
Thời gian qua, Vụ KH&CN còn tập trung đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Ngày 7/9/2018, Vụ đã trình Bộ trưởng ban hành Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Công Thương đến năm 2025 tại Quyết định số 3263/QĐ-BCT. Theo đó, đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng 70 QCVN và 17 TCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Trong năm 2020, Vụ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện việc rà soát, cập nhật việc xây dựng các TCVN, QCVN.

Hệ thống máy sàng phân loại và làm sạch tinh hạt ngô trước khi nhuộm màu hoặc đóng bao lưu kho
Các hoạt động triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, từng bước thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; hỗ trợ các DN cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người.
Bên cạnh đó, Vụ còn đẩy mạnh công tác phối hợp Bộ KH&CN trong xử lý, giải quyết kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN xuất khẩu; trình Bộ trưởng phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 tại Quyết định 1978/QĐ-BCT ngày 28/7/2020. Điều này đã giúp hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả trong triển khai công tác về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Hiện nay, Vụ cũng đang trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt Kế hoạch của Bộ thực hiện “Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030”; “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và triển khai kế hoạch thực hiện những cam kết của Việt Nam trong các FTAs như CPTPP, EVFTA, VKFTA…
Mặt khác, Vụ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh triển khai một cách đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Đảng, Chính phủ về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới. Chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, phân công cụ thể trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước về ATTP; hướng dẫn các Sở Công Thương, DN triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP, đặc biệt trong các dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động ATTP, đã phát hiện, ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN trong thực thi các quy định về ATTP. Kết quả triển khai cho thấy, công tác quản lý nhà nước về ATTP được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất; hiệu quả và hiệu lực về thực thi các quy định trong lĩnh vực ATTP được nâng cao; DN được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh; vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm của người dân ngày càng được cải thiện.
Giai đoạn 2016 - 2020, các Danh hiệu thi đua Vụ KH&CN đã đạt được gồm: Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc các năm 2016, 2017, 2018, 2019; Cờ thi đua của Bộ Công Thương các năm 2015, 2016, 2017, 2019; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương các năm 2019, 2020…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang