Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:26

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:26

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 14:29 ngày 09/10/2020

Sơn Hải Phòng 2: Thực hiện TPM thành công nhờ tư duy mở và phương pháp quản lý mới

“Muốn thực hiện thành công TPM thì phải có tư duy mở với các phương pháp quản lý mới”, đó là kinh nghiệm thành công mà Công ty CP Sơn Hải Phòng số 2 muốn gửi đến các doanh nghiệp khi tham gia và thực hiện TPM (công cụ quản lý hiệu suất tổng thể).
TPM (Total Productive Maintenance) là phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. TPM là tư duy hay phương pháp quản lý liên kết hai khái niệm Bảo dưỡng (hay còn gọi là duy trì) và Năng suất chất lượng. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ.
Nhận thức được vấn đề quan trọng của phương pháp này, Công ty CP Sơn Hải Phòng số 2 (Sơn Hải Phòng 2) đã áp dụng vào thực tiễn và bước đầu đạt hiệu quả nhất định chỉ sau một thời gian ngắn triển khai với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương.
 Công ty CP Sơn Hải Phòng 2 đã áp dụng thẻ TPM nhằm nâng cao tiêu chuẩn hóa kỹ năng vận hành của công nhân. Ảnh minh họa
Sau quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng, Sơn Hải Phòng số 2 đã quyết định lựa chọn 4 trụ cột để áp dụng TPM: Trụ cột bảo trì tự quản và trụ cột an toàn, sức khỏe và môi trường; Trụ cột bảo trì theo kế hoạch; Trụ cột cải tiến có trọng điểm và Trụ cột giáo dục và đào tạo. Trong đó, Trụ cột bảo trì tự quản bằng thẻ TPM được xem như là một hoạt động cốt lõi trong chương trình TPM.
Lý giải về việc lựa chọn Trụ cột này làm then chốt, đại diện Sơn Hải Phòng 2 cho biết, trong thực tế vận hành và bảo trì thiết bị tại Công ty, không phải mọi công nhân vận hành đều có trình độ ngang bằng nhau mà có người có kinh nghiệm và kỹ năng vượt trội hơn người khác. Do vậy, Trụ cột bảo trì tự quản bằng thẻ (AM) sẽ giúp nâng cao và tiêu chuẩn hóa kỹ năng của người vận hành trong việc chăm sóc và bảo trì thiết bị.
Các hoạt động trong Trụ cột AM đã áp dụng tại Sơn Hải Phòng 2 bao gồm: Đào tạo lý thuyết theo lớp tập trung cho toàn thể nhân viên vận hành 8 dây chuyền sản xuất; Thực hành gắn thẻ phát hiện bất thường thiết bị tại phân xưởng sản xuất; Hướng dẫn thực hiện các hình ảnh trước – sau bất thường, làm bài học một điểm; Hướng dẫn cơ chế thu thập, xử lý thẻ và cập nhật thông tin thẻ vào file quản lý.
Trong thời gian đầu triển khai, Công ty khuyến khích công nhân tích cực tham gia gắn thẻ để nâng cao kỹ năng và ý thức phát hiện bất thường dù là những lỗi nhỏ nhất như máy bẩn, máy bong sơn, mất ốc... Kết quả sau 2 tháng, Sơn Hải Phòng đã gắn và xử lý 54 thẻ xanh đỏ TPM (thẻ xanh do người vận hành xử lý, thẻ đỏ do người bảo trì xử lý), có 46 ảnh trước – sau bất thường và 14 bài học một điểm. Tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm tra, bôi trơn thiết bị đã được xây dựng cho máy nghiền, máy ép đùn và được trưởng bộ phận cơ điện hướng dẫn cho công nhân vận hành tại 2 máy này.
Lợi ích lớn nhất khi thực hiện Trụ cột AM tại Công ty đó là đã giảm tải công việc bảo trì cho nhân viên bảo trì của Công ty. Sẽ có sự lãng phí về nguồn lực nếu bộ phận bảo trì phải thực hiện cả những công việc bảo trì cơ bản như kiểm tra hay bôi trơn máy đơn giản mà thực tế người vận hành có thể làm được. 
Đặc biệt, khi thực hiện Trụ cột AM, người vận hành là người bám máy, nếu họ có kỹ năng phát hiện sớm bất thường, họ sẽ giúp khắc phục máy ngay từ những lỗi nhỏ, tránh khi máy đã hỏng hóc lớn mới khắc phục sẽ tiêu tốn nguồn lực và chi phí hơn nhiều.
Ngoài ra, trong suốt thời gian thực hiện các Trụ cột TPM khác, chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE) toàn phân xưởng sản xuất tăng từ 36% (tháng 8) lên 40% (tháng 11), giảm thời gian hiệu chỉnh màu từ 3,4 lần về 1 lần. 
Đi cùng với việc tăng chỉ số hiệu suất, quãng đường di chuyển để hiệu chỉnh màu giảm từ 270m xuống còn 130m, thời gian hiệu chỉnh màu giảm từ 38 phút/lần xuống 30,57 phút/lần. Song song đó, hiệu quả an toàn tại Công ty cũng được cải thiện đáng kể. 
Chia sẻ “bí quyết” thực hiện TPM thành công tại Công ty, đại diện lãnh đạo Sơn Hải Phòng 2 cho rằng, cần xác định phạm vi áp dụng hiệu quả, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.
Cụ thể, đối với Sơn Hải Phòng 2, phạm vi áp dụng TPM phù hợp nhất là khu vực phân xưởng sản xuất. Giải pháp cải tiến đem lại hiệu quả lớn nhất là giải pháp giảm 50% lượng chip rơi vãi không thể tái chế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện TPM, khó khăn lớn nhất mà Sơn Hải Phòng 2 vướng phải đó là việc thay đổi nhận thức và thói quen của bộ phận cơ điện đối với việc thu thập dữ liệu sự cố thiết bị. Giải pháp đưa ra là phân tích nguyên nhân gốc rễ. 
Do vậy, qua quá trình thực hiện TPM tại Công ty, lãnh đạo Sơn Hải Phòng 2 đúc rút và chia sẻ kinh nghiệm “Muốn thực hiện thành công TPM thì phải có tư duy mở với các phương pháp quản lý mới”.
Với những lợi ích và những kết quả đã đạt được từ công cụ TPM, để tiếp tục phát triển bền vững, thời gian tới, Công ty CP Sơn Hải Phòng số 2 sẽ tiếp tục duy trì và nỗ lực để mở rộng TPM nhằm mang lại các hiệu quả lớn hơn nữa về cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Đặc biệt, để duy trì Trụ cột AM, lãnh đạo Sơn Hải Phòng 2 sẽ giám sát và đốc thúc, tạo thói quen hàng ngày đối với nhân viên vận hành. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ có chính sách, khuyến khích những cá nhân tích cực tham gia vào các hoạt động trong Trụ cột này bằng cách tuyên dương, khen thưởng trang trọng và công khai trước toàn Công ty.
Theo Bản tin Năng suất chất lượng, số 34 tháng 7/2020
lên đầu trang