Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 23:22

Thứ tư, 15/05/2024 | 23:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:05 ngày 12/10/2020

Biện pháp phòng vệ thương mại: Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng

Trước diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, tác động của dịch Covid-19 và quy mô hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam gia tăng nhanh, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp (DN) cần coi biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đây là ý kiến của ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Xin ông cho biết một số nét khái quát về hệ thống pháp luật PVTM của nước ta hiện nay?
PVTM là công cụ hỗ trợ các ngành sản xuất, DN trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa mạnh mẽ như hiện nay. Vì vậy, chủ trương của Việt Nam đối với PVTM rất rõ ràng. Trong đó, Luật Quản lý ngoại thương 2017 có một chương riêng về PVTM với nội dung chi tiết, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); chúng ta còn có Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn về PVTM khi tham gia một số FTA, như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt các chương trình, đề án lớn về PVTM như: Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ” tại Quyết định số 824/QĐ-TTg; Nghị quyết 119/NQ-CP về nội dung tương tự... Như vậy, hệ thống pháp luật của Việt Nam về PVTM cơ bản đã hoàn thiện, phù hợp với các quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết; tạo cơ sở đồng bộ, toàn diện để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PVTM.
Với hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh này, hoạt động PVTM đối với XNK hàng hóa của Việt Nam có sự thay đổi nào đáng chú ý so với trước, thưa ông?
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương)
Các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu (XK) và vụ việc do Việt Nam khởi xướng đối với hàng nhập khẩu (NK) để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đều gia tăng. Đối với hàng XK, đến hết tháng 9/2020 đã có 179 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Xu thế này tăng rất nhanh, chỉ trong vòng 9 tháng đã có 29 vụ việc điều tra đối với hàng XK Việt Nam, tăng gấp 1,5 lần đối với toàn bộ số vụ việc năm 2019. Về mức độ, phạm vi các cuộc điều tra hàng XK ngày càng rộng, không chỉ đối với mặt hàng có kim ngạch XK lớn, mà cả mặt hàng có kim ngạch XK tương đối nhỏ. Mặt khác, ngoài mặt hàng truyền thống như sắt, thép, gỗ còn có nhiều mặt hàng mới liên quan đến nông-lâm-thủy sản. Về quy mô, các vụ việc không chỉ dừng lại ở các biện pháp PVTM truyền thống, mà còn đa dạng với các biến thể khác với lý do an ninh quốc gia hay bảo vệ sở hữu trí tuệ; áp dụng chính sách mở rộng để điều tra khi chưa có điều chỉnh từ WTO.
Đối với hàng NK, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như các đề án, chương trình lớn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, khởi xướng nhiều vụ việc. Riêng trong 2 năm 2018, 2019 và 9 tháng 2020, Việt Nam đã khởi xướng trên 10 vụ việc PVTM. Các biện pháp này đã tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ nhiều ngành sản xuất trong nước như: Thép, nhôm, gỗ. Đặc biệt, một số mặt hàng vừa áp dụng điều tra có vai trò trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước, người lao động, nông dân như áp dụng biện pháp tự vệ, chống bán phá giá đối với bột ngọt, đường lỏng và đường mía.
Ngày càng nhiều mặt hàng của Việt Nam XK có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp PVTM. Tuy nhiên, nhận thức của DN vẫn được cho là rời rạc, thiếu chủ động. Theo quan điểm của ông, điều này có đúng không?
PVTM là lĩnh vực phức tạp, là công cụ rất mới đối với nhiều ngành sản xuất và cả nền kinh tế Việt Nam. Nhưng có thể nói, nhận thức của DN về PVTM đã được cải thiện rất nhanh. Kể từ năm 2000 mới có một vài vụ việc về PVTM và có rất ít ngành hiểu được công cụ này, nhưng tới nay nhiều ngành XK như thép, thủy sản, gỗ… nhận thức về PVTM đã được nâng cao; nhiều DN XK sang thị trường lớn, thường xuyên bị áp dụng biện pháp PVTM đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với các biện pháp PVTM. Tuy nhiên, còn rất nhiều DN mức độ hiểu biết về PVTM còn hạn chế. Trước thực tế này, Bộ Công Thương vừa mới ban hành Quyết định 1347/QĐ-BCT về nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh tham gia các FTA, trong đó đề ra hàng loạt giải pháp phối hợp các hiệp hội, bộ, ngành để cung cấp thông tin thường xuyên, định kỳ, chuyên sâu và tổng hợp các nguồn lực để DN có thể chủ động ứng phó, sử dụng công cụ PVTM.
Tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ và toàn diện công tác PVTM ở tất cả các nhóm giải pháp và hoạt động. Thứ nhất, thúc đẩy nâng cao nhận thức, giúp DN coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh ở cả thị trường trong nước và XK; thứ hai, tập trung cảnh báo sớm theo Quyết định 316/QĐ-TTg để cung cấp thông tin kịp thời cho các DN xuất nhập khẩu về các nguy cơ, rủi ro để đối mặt với các biện pháp PVTM; thứ ba, hoàn thiện nâng cao năng lực PVTM, thông qua xây dựng Đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA, trong đó đề ra nhiệm vụ toàn diện cho các bộ, ngành liên quan và DN, giúp nâng cao năng lực ứng phó, nhân lực, nguồn lực, nhận thức và kể cả mặt pháp lý, thể chế trong công tác PVTM; thứ tư, lồng ghép nội dung công tác PVTM vào chiến lược phát triển của các ngành sản xuất, ngành công nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tạp chí Công Thương


lên đầu trang