Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 20:54

Thứ bảy, 11/05/2024 | 20:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 21:43 ngày 12/10/2020

Giới Công Thương Việt Nam: Khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế

75 năm qua, giới Công Thương - doanh nhân Việt Nam luôn lấy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam dẫn đường, cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của thế hệ doanh nhân, nhờ đó đã và đang đạt được những thành tích lớn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Đóng góp tích cực vào xây dựng, phát triển đất nước
Trong 2 ngày: 10-11/10/2020, Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE), Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Hanaka tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương; 75 năm giới Công Thương làm theo lời Bác: Vì sự nghiệp ích quốc lợi dân.
Chương trình nhằm tri ân những đóng góp của giới Công Thương xưa, doanh nhân ngày nay trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, là dịp để các doanh nhân kết nối, lan tỏa và đóng góp ý kiến, hiến kế và đối thoại với các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận đóng góp của giới Công Thương, trong đó có các doanh nhân
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương, báo công và xin ngọn lửa thiêng, quốc kỳ từ bàn thờ Bác tại nhà H67 (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) về Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu công nghiệp Hanaka (Từ Sơn, Bắc Ninh). Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã mở Diễn đàn “Văn hóa doanh nhân vì sự nghiệp ích quốc lợi dân - Hiến kế cải cách thể chế để kinh tế tư nhân phát triển” với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế và đặc biệt là các doanh nhân trong nhiều lĩnh vực trên cả nước.
Đánh giá cao việc tổ chức chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, cách đây 75 năm, vào ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi tới giới Công Thương. Trong thư Người khẳng định sự tận tâm giúp đỡ giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Bức thư được Bác viết sau khi nước nhà giành được độc lập ít ngày, thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới giới Công - Thương của Bác.
“75 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. Đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, càng khẳng định vai trò, trách nhiệm của giới Công Thương xưa, doanh nhân ngày nay trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, góp phần đưa nước ta sánh vai cùng cường quốc năm châu” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Các đại biểu đã thực hiện Lễ báo công dâng Bác tại nhà H67 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
PGS.TS Đặng Văn Thanh - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công Thương Việt Nam cho hay, nhân ngày kỷ niệm 75 năm chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam, chúng ta có thể vui mừng đánh giá rằng, qua 75 năm các thế hệ doanh nhân Việt Nam đã theo gương của Bác Hồ tiến hành các hoạt động đóng góp một cách tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, kể cả trong những lúc khó khăn nhất. Trong giai đoạn đang phát triển kinh tế hiện nay, các nhà doanh nhân Việt Nam đang hội tụ lại với nhau để đóng góp hết sức mình với tất cả khát vọng làm giàu, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hanaka khẳng định, là doanh nhân điều quan trọng nhất trong sứ mệnh của mình là phải có trách nhiệm, khát vọng để tạo ra những giá trị sản phẩm có ý nghĩa cho xã hội, những công trình bằng trí tuệ và sức lao động, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Doanh nghiệp, doanh nhân phải có xuất phát từ tấm lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu quê hương và trách nhiệm xã hội, luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định rất rõ, phải xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát huy trách nhiệm, tinh thần dân tộc và cống hiến.
Tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách để phát triển thành phần kinh tế tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết đã chỉ ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.

Ban tổ chức trao kỷ vật phiên bản gốc bức thư Bác Hồ gửi giới Công Thương được in trên chất liệu giấy dó cho các doanh nhân, đại biểu ưu tú
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trọng tâm của các nỗ lực đó là các luật, nghị quyết như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020... Bên cạnh đó, việc cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được triển khai liên tục trong những năm qua đã minh chứng cho sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan nhà nước, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nhân phải tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, trong sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc đảm bảo lợi nhuận doanh nhân cần quan tâm đến bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và có nhiều đóng góp hơn nữa cho các hoạt động an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn đại biểu tham quan Công ty CP Máy biến áp truyền tải 220-500kV Hanaka
PGS.TS Đặng Văn Thanh bày tỏ, năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn của cả nền kinh tế, bởi vậy, các doanh nghiệp cũng gặp tình trạng khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, tuy nhiên với mọi nỗ lực, chúng ta đang cố gắng vượt qua thách thức. “Tôi cho rằng mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp trong thời gian tới là hoàn toàn có khả năng, bởi Chính phủ đã có chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh mới, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp” - PGS.TS Đặng Văn Thanh nói.
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung - Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn ra số liệu, trong thời gian qua, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế… Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nguồn cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, tạo sức sống và đột phá phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong giai đoạn tới.
“Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Chẳng hạn như các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật…” - PGS.TS. Doãn Hồng Nhung đề xuất.
Để tạo ra bầu nhiệt huyết hơn cho doanh nghiệp, doanh nhân, ông Mẫn Ngọc Anh cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật cũng như các cơ chế, chính sách, các bộ ngành nên hội đàm thường xuyên với các doanh nghiệp, doanh nhân để tìm hiểu thực tế, thực trạng diễn ra hàng ngày, xem xét những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để những chính sách xây dựng ra sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, mang lại lợi ích cho xã hội, nhân dân.
Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Gốm Đất Việt, chia sẻ, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới được hưởng các chính sách đãi ngộ dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ. Nếu thực hiện được việc này sẽ tạo đà cho nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc có động lực mới để đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có đầu tư cho khoa học công nghệ, doanh nghiệp mới nâng cao được năng suất, chất lượng và trở nên hùng mạnh. Ngoài ra, cần có các chính sách tuyên dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến nhằm động viên khích lệ doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước và sự nỗ lực không ngừng của giới doanh nhân, đội ngũ doanh nhân nước ta nói chung và các nhà Công Thương nói riêng, với lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và hoài bão của mình, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quản lý doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập thành công và phát triển bền vững.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang