Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:24

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:24

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:08 ngày 09/11/2020

Chung tay kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn

Trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động phát triển hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn và quản lý chợ an toàn thực phẩm (ATTP), kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, góp phần hình thành chuỗi cung ứng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thực phẩm an toàn.

Tích cực kết nối

Sáng ngày 6/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương. Đây là một trong những hoạt động chính trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình “Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương” năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị

Hội nghị đã thu hút gần 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến từ khắp các vùng miền và các đơn vị phân phối lớn như: Liên hiệp Các hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Sài gòn Co.op), Công ty TNHH MM Mega Market, Tập đoàn Central Retail, Công ty TNHH Bán lẻ BRG, Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA), Trạm dịch vụ V52 Hải Dương, Công ty cổ phần Bữa ăn an toàn (BAAT group)... Các bên đã cùng tìm hiểu nhu cầu, thông tin sản phẩm, đi đến các thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm cũng như định hướng thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, những hoạt động kết nối này đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, một mặt hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, mặt khác giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm an toàn.

Thứ trưởng khẳng định, những ý kiến của các Bộ, ban ngành, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế sẽ được Bộ Công Thương tổng kết nhằm xác định, nắm bắt nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương; từ đó đề xuất kế hoạch, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn trong nước nói chung.

Được biết bên cạnh việc ban hành các chính sách về quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương, thời gian qua Bộ Công Thương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm phát triển hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn và quản lý chợ an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã dùng ngân sách trung ương xây dựng 66 chợ an toàn thực phẩm trên 62 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, đã xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo hướng văn minh, hiện đại thông qua các hệ thống siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi,…

Cho đến nay đã đạt 30% thị phần cung ứng thực phẩm đã qua hệ thống này, hoàn toàn truy suất nguồn gốc, thực phẩm ở đây đáp ứng tiêu chí rất cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy vết được thực phẩm. Hệ thống cung ứng văn minh hiện đại này không chỉ hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp lớn có tiềm năng, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, vùng sâu vùng xa của đồng bào dân tộc, cũng được các hệ thống phân phối hỗ trợ cho việc sản xuất theo hướng thực sự bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm” - bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Là một trong những thành phố có lượng tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất cả nước, Sở Công Thương Hà Nội cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu thực phẩm an toàn. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ, việc kết nối được thực hiện qua 3 kênh như kênh phân phối hiện đại, kinh doanh truyền thống. Bên cạnh đó, Hà Nội còn kết nối sản phẩm thông qua chuỗi các tỉnh, thành phố. Hiện Hà Nội đã liên kết 21 tỉnh thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc để hình thành nên 781 chuỗi từ các tỉnh để đáp ứng các sản phẩm an toàn về Hà Nội. Ngoài ra, còn thông qua hội nghị kết nối cung cầu với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành phố.

Trong khuôn khổ hội nghị, gần 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến từ khắp các vùng miền và các đơn vị phân phối lớn đã cùng tìm hiểu nhu cầu, thông tin sản phẩm, đi đến các thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn cũng như định hướng thị trường

Đồng bộ nhiều giải pháp

Mặc dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, việc kết nối các sản phẩm ATTP không phải dễ dàng. Bởi hiện nay, nền sản xuất Việt Nam cho lĩnh vực ATTP vẫn còn hạn chế, chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, các sản phẩm kết nối phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định và đảm bảo ATTP.

Đây là khó khăn trở ngại lớn nhất của Bộ Công Thương, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong tuyên truyền hướng dẫn phổ biến cho các hộ kinh doanh sản xuất này đảm bảo ATTP. Điều này đòi hỏi khối lượng khổng lồ trong việc tuyên truyền, tập huấn đào tạo về kỹ thuật, công tác kiểm nghiệm, thanh tra, kiểm tra” - bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nhà nước đã ban hành Nghị định, Luật về ATTP, nhưng các bộ, ngành lại có văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện khác nhau. “Kể cả việc cấp giấy chứng nhận ATTP, bộ thì bỏ, bộ thì không bỏ, dẫn đến trong cùng hệ thống kinh doanh, mặt hàng nào của ngành nào bãi bỏ thì không được thực hiện, mặt hàng nào chưa được bãi bỏ thì vẫn phải được thực hiện”- bà Trần Thị Phương Lan bày tỏ.

Bên cạnh đó, khó khăn về vốn đầu tư, đặc biệt việc mở rộng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, văn minh hiện đại, việc cải thiện hạ tầng thương mại của chợ truyền thống hết sức khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp…

Để tháo gỡ khó khăn này, từ năm 2021- 2025, Chính phủ đã cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng chợ truyền thống. Trước đây chỉ dành cho chợ nông thôn hoặc chợ đầu mối, chợ nông sản, nay cả chợ thành thị ở thành phố, cũng sẽ được sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đưa vào Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030 tầm nhìn 2035, những hành động, giải pháp để phát triển hạ tầng thương mại, kinh doanh thực phẩm theo hướng văn minh, hiện đại bảo đảm ATTP cho người dân. Đồng thời cùng Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đề xuất Chương trình mục tiêu y tế dân số và Chương trình mục tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn mới.

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, TP. Hà Nội, trong các ngày 7-8/11/2020 cũng diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn như: tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực phẩm an toàn; các hoạt động trải nghiệm thực phẩm an toàn và nhiều hoạt động truyền thông hấp dẫn nhằm tuyên truyền thông điệp Chung tay kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang