Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 22:07

Thứ ba, 14/05/2024 | 22:07

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:27 ngày 18/11/2020

Tăng cường quản lý hoạt động hóa chất

Từ ngày 12 đến 14/11/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Chương trình kiểm soát xuất khẩu và An ninh biên giới (EXBS ) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo Rà soát, đánh giá các quy định của Luật Hóa chất với sự tham gia của nhiều đại diện các doanh nghiệp, Sở Công Thương địa phương và các Bộ, ngành.
Theo ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành hóa chất đã phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ phát triển trung bình của ngành hóa chất là 12% từ năm 1990 - 2010 và hiện nay là 10% (2010-2020). Ngành hóa chất và chuỗi cung ứng trực tiếp liên quan đã đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản lượng công nghiệp quốc gia và tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Sinh- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, để xuyên suốt và làm điểm tựa thực hiện được nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp hóa chất, Luật Hóa chất ra đời và được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Qua hơn 12 năm thi hành, Luật Hóa chất đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động hóa chất. Tuy nhiên, Luật Hóa chất cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay. “Cùng với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm chưa đầy đủ, nhận thức yếu kém của nhiều tổ chức, cá nhân về rủi ro đối với sức khỏe và môi trường của hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nguy hại và các quy trình an toàn về môi trường đã dẫn đến việc Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể ô nhiễm môi trường, cũng như các sự cố tràn đổ và rò rỉ liên quan đến hóa chất...” - ông Nguyễn Xuân Sinh chỉ ra.
Theo Cục Hóa chất, trong thời gian tới việc sửa đổi Luật Hóa chất phải thể hiện rõ mục tiêu xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường, thu hút được các nhà đầu tư hóa chất lớn, nhưng đồng thời phải theo hướng bền vững, tránh rủi ro. Cụ thể, cơ quan này đang rà soát lại phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành ở trung ương với các cơ quan địa phương trong việc quản lý hóa chất theo thể chế phù hợp, hiệu lực, hiệu quả và tránh chồng chéo, giảm thiểu thủ tục hành chính với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trên cơ sở đó, hạ tầng kỹ thuật, thông tin về quản lý hóa chất cần phải được cải thiện mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Cục Hóa chất cũng chú trọng chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên đối với các công ước quốc tế: Công ước Cấm vũ khí hóa học; Công ước Minamata về thủy ngân; Công ước Rotterdam; Tiếp cận chiến lược quản lý hóa chất quốc tế (SAICM) mà Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) làm đầu mối; và hợp tác đa phương APEC: Đầu mối Đối thoại Hóa chất (Chemicals Dialogue), AMEICC: Hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu hóa chất Nhật Bản – ASEAN; CBRN: Sáng kiến thiết lập Trung tâm hợp tác tiên tiến trong lĩnh vực hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN). Ngoài ra, duy trì đẩy mạnh hợp tác song phương với Cục Hóa chất Thụy Điển (KEMI) và Bộ Kinh tế Thương mại và Công Nghiệp Nhật Bản (METI) trong các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý hóa chất.

Lãnh đạo Cục Hóa chất chụp ảnh lưu niệm với diễn giả tham gia hội thảo
Thông qua chương trình Hội thảo, Cục Hóa chất sẽ tiếp nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, Bộ ngành, chuyên gia trong lĩnh vực hóa chất, trên cơ sở đó nghiên cứu để tiếp thu sửa đổi Luật và các văn bản dưới Luật chất mới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, bối cảnh của Việt Nam cũng như phù hợp với thông điệp, xu hướng quốc tế về an toàn, thân thiện môi trường của lĩnh vực hóa chất. Đồng thời, đảm bảo vừa tăng cường hiệu lực quản lý vừa tạo môi trường đầu tư, sản xuất các sản phẩm hóa chất xứng đáng với vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, góp phần cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang