Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:45

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:45

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:39 ngày 02/12/2020

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở lối ra thị trường toàn cầu

Quy mô thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới sẽ vượt qua 3.300 tỷ USD trong hai năm tới. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu (XK).
Động lực kinh tế đối với tăng trưởng
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh đặc thù của dịch Covid-19, TMĐT nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm cũng như duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

TMĐT xuyên biên giới thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển
Báo cáo mới đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay: Đại dịch Covid-19 đã chứng minh TMĐT không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các DN vừa và nhỏ.
Dẫn chứng báo cáo của McKinsey & Company, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam - Trần Xuân Thủy - cho hay, trong một số khảo sát được thực hiện gần đây tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc.
Nắm cơ hội như thế nào?
Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã có những hoạt động đẩy mạnh hỗ trợ DN XK qua các sàn TMĐT lớn trên thế giới (Amazon, Alibaba, Global source…).
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT và kinh tế số là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới, DN có thể nhanh chóng đặt hàng cũng như tiếp cận khách hàng ở những khối thị trường lớn, khó tính như: Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU… Để DN có thể đẩy mạnh bán hàng trên sàn TMĐT xuyên biên giới việc DN hiểu rõ các sàn TMĐT này là một yêu cầu cấp thiết.
Dù được đánh giá là kênh XK hữu hiệu cho DN trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy nhiên, số DN đủ năng lực để kết nối với các sàn TMĐT xuyên biên giới phục vụ cho XK trực tuyến thì vẫn còn khá khiêm tốn.
Trong Báo cáo Chỉ số TMĐT 2020 của Việt Nam cho thấy, nguồn nhân lực cho TMĐT tại nhiều DN còn yếu đã hạn chế sự tăng trưởng của kinh doanh trực tuyến. Nguồn vốn để phục vụ cho XK trực tuyến cũng là một thách thức lớn đối với các DN nhất là các DN vừa và nhỏ.
Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam - Trần Xuân Thủy - nhận định, TMĐT xuyên biên giới kênh hữu hiệu cho các DN trong đó có DN vừa và nhỏ XK ra thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc mà các DN phải tìm hiểu, áp dụng để XK thành công. Bởi kiến thức kinh doanh trên kênh TMĐT tương đối khác so với kênh truyền thống.
Nhiều cơ hội, hoạt động hỗ trợ XK trực tuyến như lực đẩy dành cho các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam có thể tiến gần đến các sàn TMĐT xuyên biên giới. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực từ chính bản thân các DN. Các DN cần xây dựng được chiến lược rõ ràng, cần tập trung nguồn lực vào vận hành, kết nối và có sự đo lường, đánh giá, giám sát mục tiêu…
Các kênh bán hàng trực tuyến hiện nay đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa và DN XK thuận lợi nhất.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang