Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 06:42

Thứ bảy, 04/05/2024 | 06:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:57 ngày 04/12/2020

Quảng Ngãi: Giải bài toán cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi luôn định hướng và lựa chọn phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nguyên, phụ liệu cho sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc tập trung phát triển CNHT là động lực quan trọng nhằm giải quyết triệt để và toàn diện các vấn đề này, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển.
Nhiều hạn chế trong công tác hỗ trợ phát triển công nghiệp
Tỉnh Quảng Ngãi bước đầu hình thành một số ngành CNHT như cơ khí, chế tạo, dệt may da giày, điện tử - tin học, chế biến gỗ, giấy. Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú, VSIP Quảng Ngãi có những đóng góp quan trọng, tạo động lực phát triển CNHT, tuy nhiên tất cả đều mới ở giai đoạn đầu, còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hoạt động sản xuất thành phẩm phần lớn dựa trên việc sử dụng các nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu, số lượng doanh nghiệp ít, quy mô nhỏ, chỉ có thể tham gia vào lĩnh vực không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Tỷ lệ nội địa hóa thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Chưa thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư.
Ông Hồ Đức Thọ - Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất - cho biết, hiện tại một số ngành CNHT trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của công ty, nhiều dịch vụ công ty phải thuê nhà thầu nước ngoài hoặc địa phương khác. Ban quản lý và tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh hơn trong thu hút đầu tư, có ưu đãi, để tăng cường thu hút doanh nghiệp về đây.

Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất Quảng Ngãi
Các chính sách hỗ trợ và ưu đãi phát triển CNHT được Chính phủ ban hành tại Nghị định 111/2015 đến thời điểm này vẫn chưa có tác động mạnh mẽ. Thủ tục cho vay của các ngân hàng còn rườm rà; doanh nghiệp CNHT khó tiếp cận để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành CNHT. Tất cả những hạn chế này cần sớm khắc phục để cải thiện môi trường đầu tư.
Đề án phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn mới đánh giá địa phương cần định hướng xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Bà Trần Thị Mỹ Ái - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi - cho hay, chúng ta phải xây dựng chương trình hành động cụ thể, đi sâu vào mảng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phụ trợ, giao nhiệm vụ cho các sở ngành, kết nối để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhà đầu tư lớn, biết được nhà đầu tư cần phát triển sản phẩm gì, tạo chân rết trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi - cho hay, phải cụ thể hóa được chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Nghị quyết đại hội lần thứ XX bằng hành động cụ thể. Tất cả các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp phải coi CNHT là một phần trong sự phát triển của tỉnh.
Sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cần xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa địa phương và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thúc đẩy chương trình tín dụng, đầu tư cho các doanh nghiệp CNHT vừa và nhỏ tiếp cận vốn đầu tư và vốn vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Đồng thời, việc chuẩn bị, sẵn sàng của nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp cũng như các doanh nghiệp phụ trợ sẽ là một trong các điều kiện cơ bản cho sự phát triển của hai khối doanh nghiệp này. Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho CNHT được các cấp chính quyền cùng các doanh nghiệp tập trung triển khai trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Những năm gần đây, nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi mặc dù ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành CNHT. Trong khi đó, số lượng lao động dù ít hơn các ngành khác nhưng lại đòi hỏi phải có trình độ cao để có thể vận hành tốt hệ thống máy móc hiện đại.
Nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi vừa thiếu cả đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý lẫn công nhân kỹ thuật lành nghề. Lao động trong ngành nông nghiệp có kỹ năng thấp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, phương pháp sản xuất còn lạc hậu. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm do chưa tạo được nhiều ngành nghề mới ở nông thôn.

Công nhân sản xuất trong một nhà máy sản xuất hợp kim tại Quảng Ngãi
Trường Cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất nằm ngay trong lòng Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghệ cao tỉnh Quảng Ngãi và nằm cạnh Khu kinh tế mở Chu Lai, tập trung đào tạo công nhân lành nghề phục vụ cho ngành CNHT trên địa bàn tỉnh. Nhà trường thụ hưởng dự án đào tạo nghề chất lượng cao của Pháp, Đức, chủ động trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu chất lượng của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về nguồn học viên.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho hay, Quảng Ngãi chú trọng phát triển công nghiệp, xem đây là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi. Tỉnh sẽ xây dựng nhiều phương án, gắn đào tạo với sử dụng, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cũng xác định, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho CNHT sẽ được các cấp chính quyền cùng các doanh nghiệp tập trung triển khai trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Quảng Ngãi xác định phát triển công nghiệp là trọng tâm, trong đó chú trọng phát triển CNHT, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi sẽ có phương án tổ chức kết nối giữa hiệu trưởng các trường đại học với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Chính các doanh nghiệp có thể tham gia đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng nghiên cứu, hình thành Quỹ hỗ trợ đào tạo nhân lực cho CNHT, tính phương án hỗ trợ chi phí đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hợp tác đào tạo gồm: Các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp CNHT và các đối tác nước ngoài. Điều chỉnh chính sách các ưu đãi đối với nguồn nhân lực chất lượng cao về lương, phụ cấp, nhà ở, phương tiện đi lại…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang