Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 17:22

Thứ sáu, 10/05/2024 | 17:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:13 ngày 07/12/2020

Vì sao phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển?

Muốn thoát khỏi kinh tế gia công, chúng ta phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Và để hiện thực hóa rất cần những chính sách đặc biệt cho các doanh nghiệp sếu đầu đàn. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du Lịch xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, những năm trở lại đây hoạt động đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) được nhắc tới rất nhiều. Vậy R&D có tác động như thế nào tới nền kinh tế?
Tôi cho rằng nghiên cứu phát triển là một đòn bẩy và là công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất và hướng tới phát triển bền vững. Xét trên phương diện quốc gia, thì một nền kinh tế độc lập tự chủ phải làm kinh tế mà ở đó dần làm chủ được khoa học công nghệ, làm chủ nghiên cứu phát triển, kể cả việc nhập khẩu công nghệ và phát triển nó. Muốn vậy chúng ta không thể duy trì mãi tình trạng các DN gia công cho nước ngoài mà phải chuyển dần từ gia công sang sản xuất.

TS Trần Du Lịch
Với sản xuất, người ta thường nói đến khái niệm “Make in Vietnam” hay “Made by Vietnam” - đây thực chất không phải là khẩu hiệu mà có ý nghĩa là chúng ta phải đi từ giai đoạn cơ bản nhất là nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ. Chúng ta đã nói nhiều đến đổi mới sáng tạo nhưng thực chất đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ đầu tư cho R&D vì nếu không có R&D thì không thể có phát triển.
Tuy nhiên Việt Nam là một trong những nước đầu tư R&D của DN thuộc tỷ lệ thấp. Thấp ở đây nếu so với những quốc gia trong khu vực mà chúng ta đang cạnh tranh hoặc với những quốc gia trong nhóm mà Việt Nam tham gia ký kết một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Theo tìm hiểu của tôi trong 10 năm gần đây đã có nột số DN trong nước vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc đầu tư R&D. Ở đây có thể kể tới như Thaco, VinGroup… Hay trong lĩnh vực da giày đã có một số DN đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị, dù sản phẩm vẫn mang thương hiệu nước ngoài nhưng họ chủ động hơn trong vấn đề thiết kế mẫu mã, chọn công nghệ và nguồn nguyên liệu phù hợp cho sản phẩm mà đối tác cần. Ngoài ra, ở một số ngành mới xuất hiện cũng đã đầu tư khá lớn R&D kể cả cơ khí chế tạo, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm. Dù vậy số DN tham gia đầu tư cho R&D của Việt Nam vẫn chưa thực sự nhiều.
Đâu là nguyên nhân tỷ lệ DN đầu tư cho R&D ở Việt Nam còn thấp, thưa ông?
Nguyên nhân chính do quá trình khá dài chúng ta thực hiện gia công cho các DN nước ngoài. Cụ thể, để một sản phẩm ra đời có 4 công đoạn: Công đoạn thứ nhất rất quan trọng là lựa chọn công nghệ, thiết kế mẫu mã. Công đoạn thứ 2 là sản xuất các linh kiện, phụ kiện và ta gọi là công nghiệp phụ trợ. Thứ ba là gia công lắp ráp và cuối cùng là phân phối. Người ta tính toàn rằng trong 4 công đoạn trên thì lâu nay giá trị gia tăng thấp nhất là gia công và chúng ta đang làm.
Dù chúng ta có hơn 30 năm thu hút FDI nhưng các DN FDI và DN trong nước chưa có sự liên kết mà phát triển dời rạc. Đây là cái chúng ta chưa thành công trong thu hút FDI so với một số quốc gia khác. Việc này xuất phát từ chỗ chúng ta chưa đặt yêu cầu chuyển giao công nghệ để phát triển DN trong nước với DN FDI.
Ở đây có thể nói đến câu chuyện của Tập đoàn Samsung khi họ đưa phần lớn DN của họ làm outsourcing mà không có DN trong nước. Điều này có 3 lý do: Thứ nhất do DN trong nước không có khả năng đạt chất lượng họ muốn; Thứ 2 những DN có thể đạt chất lượng thì lại không thể làm được sản lượng quy mô mà họ cần; Thứ 3 nếu đặt hàng DN trong nước so với tạo điều kiện cho DN Hàn Quốc làm thì họ sẽ chọn ưu tiên cho DN nước họ. Những vấn đề này khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, Chính phủ đã có đánh giá và có quan điểm mới trong thu hút FDI bằng chính sách mới chứ không bằng mọi giá như trước đây. Cụ thể là thu hút FDI phải chú ý đến chuyển giao công nghệ để tạo hệ thống phát triển.

Khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn, doanh thu lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Song có những doanh nghiệp nhờ trước đó đầu tư cho R&D nên đã nhanh chóng thích ứng bằng sản xuất, xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài
Có một thực tế là dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy quá trình đầu tư R&D nhưng dường như chưa hiệu quả. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Tại Việt Nam dường như tất cả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển R&D đều đã có. Chẳng hạn như Luật hỗ trợ DNVVN hay Luật thuế thu nhập DN có ưu đãi nếu đầu tư vào R&D… Tuy vậy tất cả chính sách này lại không đồng bộ, không tập trung, dẫn tới hiệu quả chưa cao.
Trong khi đó với các DNVVN cái lớn nhất họ thiếu là công nghệ. Vì thế Chính phủ phải có chính sách liên kết giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu với DN trong vấn đề chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Cụ thể là giúp công nghệ cho họ chứ không hỗ trợ bằng cách đưa tiền như trước đây. Thêm vào đó cũng phải có ràng buộc là trừ nghiên cứu cơ bản còn các nghiên cứu ứng dụng phải có sản phẩm, có ứng dụng được mới nhận được tiền hỗ trợ.
Trong những năm tới nền kinh tế càng đi vào thị trường thì sự thanh lọc càng nghiệt ngã. Sẽ không có đất cho DN năng suất thấp, chất lượng kém. Đó là chưa kể khi Việt Nam tham gia các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… nếu chúng ta muốn khai thác lợi thế của những FTA này thì DN trong nước, đặc biệt là DNVVN phải tham gia được vào chuỗi giá trị chứ không thể đứng độc lập được. Thậm chí những DN không tham gia xuất khẩu, chỉ làm nội địa cũng phải thay đổi.
Như vậy chính sách sẽ phải thay đổi như thế nào để khuyến khích DN tham gia đầu tư cho nghiên cứu phát triển, thưa ông?
Như tôi nói ban đầu một số DN có đầu tư mạnh R&D, ví dụ Thaco đã tự đầu tư chuỗi sản xuất ở Chu Lai và làm chủ được khá nhiều linh kiện, phụ kiện để nâng tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng họ vẫn gặp khó khăn, vì kinh nghiệm ở các nước thì không có một DN đầu đàn nào tự làm hết được tất cả mà phải có thuê bên ngoài.
Như vậy Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho DN “sếu đầu đàn”. Bởi họ sẽ là DN đi trước đầu tư và liên kết với các DNVVN để tạo thành chuỗi giá trị. Cùng với đó, phải đồng bộ hóa theo từng địa bàn, từng địa điểm, từng lĩnh vực, thị trường và những cái đó phải chương trình hóa.
Quy luật thị trường như nước từ cao chảy xuống thấp và chính sách phải ngăn cho nước không chảy xuống chỗ thấp hoặc muốn cho nó lên chỗ cao thì phải bơm lên. Ví dụ muốn khai thác thị trường EU để tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì có chương trình cụ thể hóa trong hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo để DN tiếp cận thị trường này…
Ngoài ra, chúng ta nên thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP) trong nghiên cứu phát triển vì hiện Việt Nam mới có PPP trong hạ tầng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải chủ động tạo cơ chế riêng cho những DN lớn, đầu đàn. Phải để cho mọi người thấy được rằng, ai làm tốt sẽ được hưởng chính sách tốt.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang