Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 13:41

Thứ tư, 15/05/2024 | 13:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:23 ngày 17/07/2013

Gang thép Thái Nguyên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Công ty Gang thép Thái nguyên là đơn vị có bề dày truyền thống gần  nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Với mục tiêu, phát triển ổn định ,bền vững, tiếp tục khẳng định thương hiệu TISCO của mình, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã không ngừng nghiên cứu đổi mới công nghệ, phát huy vai trò là con chim đầu đàn của ngành Luyện kim Việt Nam. Các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ của Công ty luôn mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời là động lực thúc đẩy  cán bộ, công nhân phấn đấu xây dựng Công ty ngày càng hiện đại.


 Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã  nghiên cứu thành công trên 20 đề tài cấp Bộ, cấp Công ty. Năm 2006, tại Nhà máy Luyện Thép có 01 đề tài cấp Bộ là nghiên cứu cải tạo thiết kế thùng trung gian để nâng cao sản lượng và chất lượng phôi đúc liên tục. Bên cạnh đó, còn có 5 đề tài cấp công ty cũng được đăng ký thực hiện, như đề tài nghiên cứu áp dụng và xây dựng quy trình sử dụng hỗn hợp bột vôi luyện kim, tinh quặng sắt, quặng sắt mịn và nước công nghiệp nhằm tận thu và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên mỏ, nâng cao chất lượng quặng thiêu kết; nghiên cứu biên soạn, hiệu chỉnh bổ sung và công bố tiêu chuẩn các sản phẩm: cốc luyện kim, gang, phôi thép và thép cán...

Xác định, việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất thành công không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn khẳng định sự sáng tạo trong lao động của người công nhân đất Thép anh hùng. Năm 2007 Công ty đã nghiên cứu và ứng dụng thành công 2 đề tài cấp Bộ đó là Đề tài nghiên cứu, ứng dụng sản xuất gang luyện thép với tỷ lệ quặng thiêu kết đạt 80% tại lò cao số 2, nhà máy Luyện Gang, đề tài nghiên cứu sản xuất mác thép hợp kim thấp độ bền cao tại Công ty Gang thép Thái Nguyên và 01 đề tài cấp Công ty là nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thép cán thanh vằn Grade 40 và Grade 60 theo tiêu chuẩn ASTM A615.

Nhận thức được việc đầu tư đổi  mới khoa học công nghệ, khai thác tối đa tiềm năng, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm là yêu cầu sống còn của doanh nghiêp, Công ty càng quyết phấn đấu khẳng định sản phẩm thép mang thương hiệu TISCO trên thị trường. Hàng năm, số lượng các đơn vị, cá nhân đăng ký các đề tài nghiên cứu KHCN đều tăng. Nếu như năm 2007 có  3 đề tài nghiên cứu, thì năm 2008, đã lên đến 9 đề tài. Trong đó, 02 đề tài cấp Bộ được nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất thép phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như đề tài nghiên cứu công nghệ cán thép hình chữ  I - N015 tại Nhà máy cán thép Lưu Xá; nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành lò cao nhằm ổn định hàm lượng Silic trong gang luyện thép. Hiện nay, nhu cầu trong nước và một số nước trong khu vực về sản phẩm thép hình chữ I- N015 ngày càng tăng, vì vậy, việc nghiên cứu công nghệ cán thép hình chữ  I- N015 từ phôi đúc liên tục 150 x150 là một hướng đi đúng đắn của Công ty. Triển khai nghiên cứu công nghệ sản xuất thép hình chữ I- N015 tại Nhà máy cán thép Lưu Xá, nhằm đa dạng hoá sản phẩm thép hình của Công ty, đáp ứng nhu cầu cuả thị trường, đồng thời tạo ra hướng phát triển ổn định, bền vững của Công ty.

Cũng trong năm 2008 các đề tài cấp Công ty cũng được nghiên cứu thành công, ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả  như: nghiên cứu cải tạo công nghệ để nâng cao chất lượng quặng sạch trong nhà máy tuyển khoáng - mỏ sắt Trại Cau; nghiên cứu sử dụng bã dầu cốc vào phối liệu với than mỡ để sản xuất cốc luyện kim tại Nhà máy Cốc hoá; nghiên cứu, lắp đặt hệ thống chống bụi tại phân xưởng Tuyển than- Mỏ than Phấn Mễ....

Trước khó khăn về tình hình kinh tế trong nước và thế giới, Công ty đã chủ động đẩy mạnh các mặt hoạt động như cân đối nguyên vật liệu, kiểm soát giá cả và chất lượng nguyên liệu đầu vào, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo điều hành sản xuất linh hoạt, kịp thời, tiếp tục thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất. Có thể nói, các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của Công ty Gang thép Thái Nguyên đều thành công và đã mang lại lợi ích to lớn, đồng thời cũng khắng định những bước đột phá trong công nghệ sản xuất thép của Công ty.

 

Hằng Lê

 

 

 

lên đầu trang