Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 06:23

Thứ sáu, 03/05/2024 | 06:23

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 07:42 ngày 09/12/2020

Gieo sáng kiến, gặt thành công

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự sáng tạo của công nhân lao động là động lực rất lớn cho sự phát triển chung của doanh nghiệp. Những người công nhân tuy khác nhau về ngành nghề, lĩnh vực nhưng họ có chung một đam mê sáng kiến, sáng tạo, nỗ lực hết mình làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nhận bằng khen sáng kiến, sáng tạo được phát động tại công ty
Sáng tạo để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0
Sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, cải tiến công cụ, máy móc để tạo năng suất lao động cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn đã trở thành một nét văn hóa trong các đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt là công nhân lao động. Không chỉ lao động bằng chân tay mà họ còn lao động hết mình bằng trí óc và khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ.
Từ trong sản xuất, đã có rất nhiều sáng kiến được phát minh đem lại tính ứng dụng cao. Nhiều công nhân lao động đã đầu tư chất xám để có thể làm chủ được máy móc tân tiến, cải tiến nó đem lại hiệu quả kết nối linh hoạt, tốn ít nhân lực hơn.
Đến với Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, bên cạnh không khí thi đua sản xuất, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” đã trở thành hoạt động sôi nổi đi sâu vào đời sống công nhân lao động nhiều năm qua. Nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Trần Thị Thanh Nga (công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam).
Làm việc tại công ty được gần 3 năm, chị Nga được biết đến là một nữ công nhân năng nổ, có tay nghề cao, ham học hỏi và rất có nghị lực phấn đấu. Gắn bó với công ty, say mê công việc nên những lúc rảnh rỗi, chị Nga thường dành thời gian tìm tòi những sáng kiến độc đáo, góp phần mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về sáng kiến của bản thân, chị Nga cho biết từ thực tiễn công việc, nhận thấy nguyên vật liệu đang dùng có quy trình xử lý lãng phí, hiệu quả không đạt theo yêu cầu đã thôi thúc chị cần tìm ra sự thay đổi. “Trong quá trình làm việc tôi nhận ra bên cạnh những thành phần cần phải xử lý, giấy da bò còn có cả những thành phần có thể tái chế được như nhựa và giấy.
Tỉ mỉ nghiên cứu các công đoạn, tôi thấy rằng thay vì cần máy bóc tách rồi phân hủy rất lãng phí như trước đây thì chúng ta có thể tận dụng bán nguyên liệu tái chế với đơn giá tương đối cao. Mặc dù không có nhiều phức tạp nhưng trước đây chưa ai để ý đến phương pháp này”, chị Nga kể.
Với sáng kiến “Cải tiến phương pháp xử lý giấy da bò” đi vào hiện thực, chị Nga đã làm lợi cho công ty 1000 USD/tháng. “Tôi rất vui khi đưa ra các sáng kiến đều được Ban Giám đốc chấp nhận và áp dụng vào thực tiễn. Khởi đầu ở con số khiêm tốn, tuy nhiên con số này sẽ còn tăng trong tương lai khi mở rộng quy mô và sản lượng”, chị Nga vui vẻ cho hay.
Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho biết, để công nhân phát huy tinh thần tự chủ trong thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa, công ty đã thành lập “Ban sáng kiến, sáng tạo” hằng tháng cùng với Ban lãnh đạo công ty phát động công nhân tham gia vào phong trào sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực.
Công ty tổ chức phát động các đợt thi đua theo tháng, quý, năm. Đặc biệt là hoạt động khen thưởng kịp thời, trong tháng nếu công nhân có sáng kiến là được thưởng. Công nhân sẽ được tham gia thuyết trình ý tưởng của mình, công ty sẽ chọn ra 3 sáng kiến, sáng tạo để trao giải. Sau hoạt động từng tháng, cuối năm Ban lãnh đạo công ty sẽ tổng hợp để lựa chọn những sáng kiến có giá trị cao nhất, ý nghĩa nhất trình lên tập đoàn.
“Công ty rất trân trọng và khuyến khích công nhân nỗ lực cải tiến máy móc, dây chuyền… để năng suất làm việc được nâng cao hơn. Chính vì vậy những chính sách nhằm thúc đẩy công nhân sang tạo là vô cùng cần thiết. Hiện nay, mỗi tháng công ty có đến hơn 3.000 sáng kiến được trình lên, có những cá nhân tiêu biểu 1 tháng có đến gần 20 sáng kiến. Rất nhiều sáng kiến đã đạt giải tại tập đoàn và được biểu dương. Thông qua các hoạt động này người lao động sẽ cảm nhận được những giá trị thiết thực họ mang lại, công việc của họ diễn ra được thuận lợi hơn”, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho hay.
Động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Với những hiệu quả thiết thực đem lại, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” do Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội phát động đã thu hút được đông đảo công nhân lao động trong mọi lĩnh vực, ngành nghề hưởng ứng. Qua thời gian triển khai phát động, phong trào đã có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước. Góp phần quan trọng giải quyết khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Trong 5 năm qua đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 8.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Đáng chú ý có 290 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Tiêu biểu là sáng kiến: “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí bằng cải tiến bản vẽ sản phẩm trước khi làm khuôn” của anh Hoàng Văn Thành (công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam), sáng kiến đã giảm được chi phí sửa khuôn, làm lợi cho công ty 61,8 tỷ đồng/năm.
Sáng kiến “Cải tiến lỗi hỏng 88 trên sản phẩm sứ” của anh Đào Ngọc Tiến (công nhân Công ty TNHH Lixil Việt Nam), sáng kiến áp dụng đã giảm sản phẩm lỗi hỏng từ 75% – 0%, làm lợi cho công ty 2,8 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Khắc phục lỗi K35 nứt soáy hồ WI-CW 889” của anh Vũ Xuân Tùng, (công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam), làm lợi 2,9 tỷ đồng/năm…
Có thể thấy, những sáng kiến của người lao động đã minh chứng cho hiệu quả khi ứng dụng những kiến thức khoa học trong lao động sáng tạo vào thực tiễn. Phần lớn những sáng kiến cải tiến kỹ thuật xuất phát từ thực tiễn trong công việc hàng ngày. Vì vậy khi áp dụng trong công việc cũng như trong hoạt động sản xuất đã khắc phục được nhiều vấn đề còn tồn tại, làm tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Là đơn vị luôn duy trì các phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” trong suốt nhiều năm nay, công ty TNHH TOTO Việt Nam cũng được biết đến với nhiều điển hình tiên tiến có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang giá trị làm lợi cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế – xã hội.
“Một công ty có nhiều sáng kiến, sáng tạo thì công ty sẽ có nhiều màu sắc, chỉ một chút thay đổi cũng có thể làm công ty phát triển bền vững hơn. Bởi khi chúng ta tốt mà không có sự thay đổi hằng ngày thì cũng sẽ bị thụt lùi so với các công ty khác. Chính vì vậy, những sáng kiến, sáng tạo có hiệu quả của công nhân đã góp phần làm cho công ty liên tục phát triển, giải quyết khó khăn trong sản xuất – kinh doanh, nhờ đó hằng năm công ty có được nguồn lợi rất lớn. Đồng thời khi công nhân học hỏi, mỗi ngay đều có ý tưởng mới, sáng tạo trong thời đại 4.0 sẽ giúp chúng ta ngày càng tiệm cận hơn với thế giới”, chị Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng An toàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam chia sẻ.
Theo: laodongthudo.vn
lên đầu trang