Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 00:29

Chủ nhật, 28/04/2024 | 00:29

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 22:57 ngày 25/12/2020

Tem điện tử với rượu, thuốc lá: Giảm chi phí và có lộ trình

Bộ Tài chính đang xin ý kiến góp ý xây dựng Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử đối với rượu và thuốc lá. Doanh nghiệp cho rằng, thông tư về tem điện tử nếu được ban hành thì thực hiện cần có lộ trình, tránh phát sinh tăng chi phí và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Dán tem đối với sản phẩm thuốc lá và rượu thực tế đã và đang áp dụng bằng hình thức dán tem giấy khá ổn định. Tuy nhiên, khi thông tư này được ban hành, tem giấy sẽ được thay thế bằng tem điện tử.
Tại Hội thảo góp ý xây dựng thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử đối với rượu và thuốc lá (Thông tư), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính, tổ chức sáng ngày 23/12/2020, đại diện Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, cho biết: Dự thảo Thông tư này được xây dựng dựa trên cơ sở và nguyên tắc pháp luật hiện hành, là thuốc lá nhập khẩu cũng như sản xuất và tiêu thụ trong nước phải dán tem theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP; rượu nhập khẩu và sản xuất trong nước phải dán tem theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Việc dán tem điện tử nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu thuế, chống hàng giả, hàng lậu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng...
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuốc lá và rượu đồng thuận với chủ trương dán tem điện tử. Tuy nhiên, hầu hết đều bày tỏ băn khoăn về tính khả thi, đặc biệt làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp khi chuyển đổi từ tem giấy sang tem điện tử, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Thông tư về tem điện tử
Đồng tình với chủ trương dán tem điện tử để tăng cường quản lý, song ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho biết: Hiệp hội hiện có 18 hội viên, sản xuất khoảng 4 tỷ bao thuốc lá điếu/năm, tương đương phải sử dụng 4 tỷ con tem điện tử. Tem hiện tại vẫn được triển khai sử dụng phù hợp, ổn định, hiệu quả. Nếu sử dụng tem điện tử, các doanh nghiệp thuốc lá sẽ phải thực hiện cải tiến, chuyển đổi… qui trình, thiết bị, nhân lực dẫn đến tăng chi phí. Hơn nữa, các doanh nghiệp thuốc lá đã đóng các loại thuế, phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, nay cơ quan thuế in, phát hành tem điện tử doanh nghiệp phải mua để dán, mà thực chất việc này là nhằm quản lý để thu thuế, như vậy doanh nghiệp lại phải chịu thêm một gánh nặng chi phí nữa.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát, cho biết: Ngành rượu đang thực hiện dán tem, đưa QR vào để truy xuất nguồn gốc rất tốt. Áp dụng tem điện tử cần phải cân nhắc kỹ lộ trình. Hơn nữa, nội dung dự thảo của Thông tư có một số qui định chưa thực sự hợp lý. Nghiên cứu nội dung dự thảo Thông tư, Hiệp hội vẫn chưa rõ ngoài thiết kế mẫu tem thì kích thước, mẫu mã, giá bán tem điện tử có thay đổi thế nào so với tem vẫn đang sử dụng hiện nay hay không.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng, khi nhập khẩu rượu, các doanh nghiệp đã phải đóng thuế nhập khẩu và các loại thuế, phí khác. Dán tem điện tử chắc chắn tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mục đích dán tem điện tử là nhằm phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước, do vậy, cần cấp tem điện tử miễn phí cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long, tem điện tử cần tính đến vấn đề hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cần có đánh giá về tính hiệu quả cũng như những tác động của tem điện tử đối với các chủ thể có liên quan. Bởi nếu không cân nhắc kỹ, các qui định đưa ra có khi chỉ để “đánh vào những chủ thể làm ăn chân chính”, còn các hành vi gian dối, tiêu cực…. thì vẫn chưa có được chế tài để kiểm soát hiệu quả. Chuyên gia Ngô Chí Long còn băn khoăn, có nhiều sản phẩm thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sao chỉ có rượu và thuốc lá phải dán tem điện tử, các loại khác thì sao…?
Một số ý kiến khác cho rằng, nếu Thông tư được ban hành, cần phải có một lộ trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị chuyển đổi, đầu tư thiết bị, nhân sự vận hành. Đổi mới, ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa quản lý là cần thiết, song đổi mới phải hướng tới thuận lợi hóa và giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Mẫu tem điện tử cần thiết kế kích thước, trọng lượng và đặc tính giống tem đang sử dụng để không gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp. Đồng thời, phải có sự thống nhất về hệ thống công nghệ và qui trình nhận dạng tem điện tử, tính kết nối dữ liệu giữa các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý nhà nước…
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI: Phạm vi đối tượng bị tác động của Thông tư này không nhiều, nhưng mức độ quan trọng và ảnh hưởng của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuốc lá, rượu là rất lớn.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang