Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:59

Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:59

Chính sách

Cập nhật lúc 12:04 ngày 16/01/2021

Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Ngày 13/1, Sở Công Thương TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021. Dịp này, Sở Công Thương cũng đã công bố và trao tặng biểu trưng 92 sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu thành phố năm 2020, và ra mắt ban cố vấn hội đồng ngành logistics Tp. Hồ Chí Minh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị. 
Theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM, năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động, đồng hành cùng Sở, TP thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Trong năm 2020, các doanh nghiệp Thành phố đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo tín hiệu thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 ước giảm 4% so với năm 2019, nhưng giá trị gia tăng ước đạt 268,896 tỷ đồng, tăng 0,47% so với năm 2019. Trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 0,5%.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị ngành công thương thành phố trong năm 2021 tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép; chủ động nguồn lực, tham gia tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Thành phố cần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo đúng định hướng, ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; xây dựng và hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác; ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Chia sẻ về định hướng mục tiêu trong thời gian tới, Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành Công Thương Thành phố đặt ra 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ tăng trưởng bao gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, kim ngạch nhập khẩu tăng 11%.
Để đạt được kết quả này, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thực hiện 2 đợt khuyến mãi tập trung để kêu gọi đầu tư vào 7 trung tâm logistics theo đề án phát triển logistics trên địa bàn thành phố. Triển khai 3 chương trình thuộc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, phát triển ngành cao su - nhựa và ngành lương thực thực phẩm. Đồng thời, triển khai kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, kích cầu đầu tư với ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ doanh nghiệp, các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu...
Các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu thành phố năm 2020
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong năm 2021 và những năm tiếp theo, vượt cao so với năm 2020, Sở Công Thương cần tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó triển khai kịp thời các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tập trung phát triển công nghiệp đúng định hướng, ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Xây dựng và hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố làm động lực phát triển các ngành công nghiệp khác. Ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Đối với các thành phần kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến khích tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, RCEP... có hiệu lực; đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; mở các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế...
Mai Anh t/h

lên đầu trang