Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 12:21

Thứ hai, 06/05/2024 | 12:21

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 20:46 ngày 23/01/2021

Bước tiến mới trong việc quản lý kho hàng cho các doanh nghiệp ngành nhựa

Sản xuất nhựa là một ngành có sản phẩm rất đa dạng về hình dáng và kích thước, đơn vị xuất hàng, do vậy phần lớn các doanh nghiệp hiện nay có hệ thống kho hàng rất lớn, chi phí quản lý và vận hành kho hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp nhằm cải tiến hệ thống quản lý kho đưa vào vận hành trong các doanh nghiệp ngành nhựa là rất cần thiết.
Hiện nay thực trạng quản lý kho hàng của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành nhựa nói riêng còn tồn tại nhiều hạn chế, như những vấn đề về vận chuyển, tồn kho, xếp dỡ không hợp lý dẫn tới tăng chi phí quản lý kho. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến, áp dụng phần mềm quản lý kho hàng trong hoạt động kinh doanh. Nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh cho các doanh nghiệp ngành nhựa” do TS. Dương Trung Kiên làm chủ nhiệm, tổ chức chủ trì là Trường ĐH Điện lực, thuộc Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng, hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt đối với những hoạt động ứng dụng đổi mới công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa sản xuất.
Quản lý kho hàng là việc lưu trữ một lượng hàng hóa trong khoảng thời gian từ khi nhập vào cho đến khi xuất kho, bao gồm các hoạt động quản lý hàng hóa trong kho về số lượng, chất lượng, chủng loại… đảm bảo sẵn sàng cung cấp cho khách hàng khi cần thiết. Mục đích của quản lý kho hàng nhằm kiểm soát số lượng hàng hóa cho sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu, không lưu trữ quá lượng quy định; Đảm bảo hàng hóa không hỏng hóc, kiểm tra được tình trạng hàng khi nhận; Biết chính xác thông tin về chủng loại, từng vị trí bằng mã hóa hàng hóa; Lưu giữ và lấy hàng nhanh, thuận tiện nhất từ việc bố trí sắp xếp hệ thống giá kệ của kho cũng như quy định nguyên tắc lưu trữ kho; Sử dụng tối ưu không gian trong kho về chiều cao, kích thước giá hàng.
TS. Dương Trung Kiên cho biết “Các kỹ thuật quản lý kho hàng tại các doanh nghiệp hiện nay là phương pháp ABC, phương pháp cố định vị trí, phương pháp Free-location, sử dụng mã Code. Ngoài ra, còn có kỹ thuật quản lý kho hàng trực quan hóa, tức mô phỏng lại các vị trí lưu trữ trên giá từ việc sử dụng màn hình hoặc bảng quản lý, số lượng từng loại hàng tương ứng với số biểu đồ màu xanh được gắn bảng hay hiện thị trên màn hình và kỹ thuật quản lý kho theo số hóa”. Quản lý kho hàng đối với ngành nhựa sẽ có những đặc thù riêng, đó là chủng loại nhiều, cụ thể sản phẩm ngành nhựa rất đa dạng, một doanh nghiệp sản xuất thường hàng trăm, hàng nghìn mã sản phẩm khác nhau dẫn đến khó quản lý; Sản phẩm cũng đa dạng về kích thước, hình dáng rất khó tiêu chuẩn hóa trong kho. Từ những đặc điểm đó, cần ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại nhằm tăng hiệu quả, giảm chi phí; tiến hành cải tiến và tiêu chuẩn hóa quy trình quản lý; trực quan hóa hệ thống giá kệ, thiết kế FIFO; tận dụng không gian của kho.
Áp dụng công nghệ trong hoạt động quản lý kho hàng
Nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh cho các doanh nghiệp ngành nhựa” đã đề ra mục tiêu nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý kho của ngành nhựa theo hướng tối ưu hóa quy trình và cách sắp xếp không gian, đồng thời áp dụng các công cụ số hóa để tạo điều kiện đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong tương lai. Quá trình nghiên cứu bao gồm việc thí điểm đối với kho hàng của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong. Và trong 12 tháng triển khai, từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020, nhiệm vụ trên đã đạt được các kết quả rất đáng kể.
Mô hình quản lý kho thông minh tại Công ty Cổ Phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong
Cụ thể, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đề xuất giải pháp cải thiện công tác quản lý kho thí điểm và xây dựng phần mềm chuyên biệt cho nghiệp vụ quản lý kho, đem lại hiệu quả rõ rêt. Trong đó bao gồm: Cải tiến layout, hệ thống trực quan của kho thí điểm, thực hiện quản lý kho theo first-in first-out, từ đó nâng cao dung lượng lưu trữ hàng hóa trong kho, giảm thời gian trung bình cho mỗi đơn hàng nhập – xuất; Loại bỏ các quy trình thủ công, lãng phí, tăng tính chính xác, minh bạch; Áp dụng việc dán mã 2D và phần mềm quản lý để nâng cao hiệu quả và khả năng cập nhật, giám sát, kiểm tra, tạo sự thuận tiện trong công tác kiểm kê, báo cáo, phân quyền, kiểm tra dữ liệu; Loại bỏ vấn đề trễ số liệu do đã đồng bộ được dữ liệu ngay khi phát sinh đơn hàng nhập hoặc xuất kho; Số hóa nghiệp vụ quản lý kho, tạo điều kiện kết nối công tác và dữ liệu quản lý kho với các nghiệp vụ kinh doanh khác đã được số hóa trong doanh nghiệp.
Xuất phát từ các kết quả đã đạt được, việc cần làm trong thời gian tới đó là tiếp tục hoàn thiện và nghiên cứu mở rộng mô hình sắp xếp, quản lý kho hiệu quả có áp dụng công cụ số để nhân rộng áp dụng với các kho hàng có đặc thù tương tự trong ngành Nhựa và các ngành sản xuất công nghiệp khác; Tiếp tục phát triển phần mềm theo hướng đa chức năng như quản lý sản xuất, quản lý vật tư, quản lý bán thành phẩm; Nâng cấp khả năng kết nối với các phân hệ quản lý khác của doanh nghiệp để tiếp cận chuyển đổi số và hình thành hệ thống sản xuất, quản lý thông minh...
Việc xây dựng mô hình áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh cho các doanh nghiệp ngành nhựa nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện đang và sẽ tiếp tục là xu thế tất yếu để hiện đại hóa quá trình vận hành hệ thống sản xuất kinh doanh, cũng như tự động hóa quy trình vận hành, tối ưu sản xuất của doanh nghiệp. Đây là một bước tiến mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Doãn Tâm
lên đầu trang