Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:11

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:11

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 17:52 ngày 25/01/2021

Áp dụng thí điểm bộ công cụ BSC & KPI cho các doanh nghiệp

Bản đồ chiến lược (BSC) và chỉ số then chốt đánh giá thực hiện công việc (KPI) là các công cụ nhằm thiết lập, thực hiện, giám sát và đánh giá triển khai chiến lược có tính tương hỗ. Chúng gắn kết các mục tiêu và kế hoạch cụ thể của người lao động với các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả hai chiều. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng mô hình kết hợp BSC & KPI vẫn chưa được biết đến và áp dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp.
Xuất phát từ thực tế đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thực hiện nhiệm vụ “Tập huấn, hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ triển khai chiến lược (BSC) và hệ thống đánh giá kết quả doanh nghiệp (KPI) cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp: Dệt may, Da Giầy, Nhựa, Hóa chất, Cơ khí, Điện tử - Tin học” - Chủ nhiệm đề tài là PGS. TSKH. Nguyễn Thanh Hiếu. Đây là nhiệm vụ thuộc Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng, hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương.
Đề tài này tập trung vào việc tập huấn, hướng dẫn 12 doanh nghiệp áp dụng mô hình trên và biên soạn tài liệu tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm triển khai BSC và KPI tại các doanh nghiệp.
Bản đồ Chiến lược (BSC) là một trong những nền tảng hàng đầu giúp cho việc quản trị chiến lược. BSC kết hợp bốn góc nhìn khác nhau trong kinh doanh, đó là Tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ doanh nghiệp, và con người – nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu và đạt được những mục tiêu chung của tổ chức. Bản đồ Chiến lược không tạo ra chiến lược, mà nó tổ chức, sắp xếp lại chiến lược ở một hình thức mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát và trao đổi.
Ví dụ hình ảnh xây dựng BSC tại một doanh nghiệp
Về Bộ chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPIs), đây là một phần quan trọng trong hệ thống thông tin nội bộ doanh nghiệp. KPIs là công cụ cần thiết giúp các doanh nghiệp xác định mức độ đạt được mục tiêu kinh doanh. Thông qua KPIs, các cấp quản lý cũng như nhân viên trong doanh nghiệp có thể biết được là từng cá nhân, bộ phận hay toàn doanh nghiệp có đang đi theo đúng hướng hay không và nếu không thì vấn đề nào cần phải được được quan tâm.
Qua đây có thể thấy sự kết hợp của BSC và KPI không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi tầm nhìn và chiến lược thành mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá bộ máy nhân sự mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững thông qua việc quản lý và đo lường hiệu suất, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của từng phòng ban, cá nhân trong doanh nghiệp. Trong khi BSC chỉ giúp triển khai các chiến lược thành các mục tiêu chiến lược và mục tiêu cho các viễn cảnh tài chính, khách hàng, nội bộ và nghiên cứu & phát triển, thì KPI sẽ giúp triển khai các mục tiêu chiến lược đến các phòng ban, bộ phận và đặc biệt là từng cá nhân trong mỗi doanh nghiệp.
Trong gần 3 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2020, nhóm thực hiện đề tài đã đạt được các kết quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể: Đã tổ chức hai khóa tập huấn với 80 lượt học viên đến từ các doanh nghiệp sản xuất dệt may, da giày, nhựa, hóa chất, cơ khí, điện tử - tin học. Tư vấn sâu cho 12 doanh nghiệp về xây dựng hệ thống và áp dụng thí điểm mô hình.
Các doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều hiệu quả đáng chú ý, như: Nâng cao nhận thức người lao động về tham gia xây dựng và phấn đấu đạt được các chỉ tiêu KPIs; Kích hoạt việc rà soát cải thiện mức độ hiệu quả trong thực hiện các công việc và loại bỏ nguy cơ sai sót; Nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp thông qua hình thành quy trình và tác phong đồng bộ và chuyên nghiệp; xây dựng được cơ chế trao đổi thông tin và đánh giá nội bộ kết hợp với phân tích dữ liệu sản xuất và hình thành chế độ khen thưởng. Một số doanh nghiệp đã đưa việc họp BSC & KPI vào kế hoạch họp định kỳ về sản xuất và giao ban nhằm duy trì việc áp dụng mô hình và nhanh chóng nắm bắt thông tin.
Ngoài ra, đề tài còn tổ chức thành công hội thảo phổ biến kết quả áp dụng mô hình; xây dựng được các tài liệu đào tạo và tài liệu truyền thông phục vụ cho việc nâng cao năng suất, chất lượng trong hoạt động của ngành.
Tập huấn và tư vấn xây dựng hệ thống áp dụng mô hình tại doanh nghiệp
Các doanh nghiệp nhờ mạnh dạn áp dụng Bản đồ Chiến lược BSC và Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động KPIs đều đã có những bước tiến vững chắc dựa trên chiến lược lâu dài, hướng tới hoàn thành mục tiêu và tầm nhìn doanh nghiệp.
Về định hướng trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở các kết quả đã đạt được của nhiệm vụ, những việc cần chú trọng đó là tiếp tục cải thiện các tài liệu và phương pháp tập huấn dựa trên phản hồi của các doanh nghiệp sau quá trình áp dụng mô hình trong thời gian dài; nhân rộng áp dụng mô hình tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác thông qua chuyển giao phương pháp áp dụng mô hình cho các đơn vị tư vấn. Đây là những việc làm hết sức thiết thực, góp phần tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, và hiệu quả làm việc của các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của từng ngành nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Trần Minh
lên đầu trang