Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:11

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:11

Chính sách

Cập nhật lúc 11:10 ngày 22/09/2015

Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Hơn mười năm qua, cùng với các lĩnh vực khác nhau, quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ (KH và CN) giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã có bước phát triển đáng kể. Điểm nhấn trong mối quan hệ này là các hoạt động trao đổi nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với các tổ chức KH và CN Hoa Kỳ từng bước được thúc đẩy phát triển.


Không kể các phiên họp Ủy ban hợp tác KH và CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (JMC) đã tiến hành lần thứ 8, những năm gần đây, Chính phủ hai nước đã thực hiện ký kết các hiệp định về lĩnh vực này. Tháng 5-2014, tại Hà Nội, Bộ trưởng KH và CN Việt Nam với sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Đ.Sia ký chính thức Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (gọi tắt là Hiệp định 123).

Nội dung của Hiệp định là nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đồng thời tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác Hoa Kỳ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhất là trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Mặt khác, thời gian qua không ít Hội nghị, hội thảo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được tổ chức tại Hà Nội, cũng như thành phố Hồ Chí Minh đề cập các vấn đề như: điện và năng lượng, vật liệu cao cấp, KH và CN nano, phòng chống bệnh ung thư, các bệnh dịch phức tạp mới xuất hiện, cây trồng chống chịu hạn; xây dựng năng lực quản lý phát triển thấp nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam...

Song điểm nhấn trong quan hệ hợp tác về KH và CN Việt Nam - Hoa Kỳ phải kể đến sự trao đổi, hợp tác nghiên cứu giữa Viện VAST với các tổ chức khoa học Mỹ. Có thể nói khởi đầu cho quan hệ hợp tác về KH và CN Việt Nam và Hoa Kỳ là Biên bản ghi nhớ cách đây hơn 20 năm, giữa Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật với Vườn thực vật Mít-xu-ri (năm 1994) và sau đó là Vườn thực vật Niu Oóc (Hoa Kỳ). Triển khai các thỏa thuận hợp tác, hàng chục năm qua hai vườn thực vật có bề dày lịch sử hơn 120 năm của Hoa Kỳ đã cùng các nhà khoa học Việt Nam thực hiện gần mười dự án và nhiệm vụ khác nhau.

Trong đó đáng chú ý là các chương trình "Bảo tồn thực vật ở Việt Nam", "Đánh giá thực trạng phân bố các loài thực vật bị đe dọa tại Đông Dương", "Bảo tồn và xây dựng bền vững các loài song mây khu vực Trung Trường Sơn"... Đồng thời hàng chục lớp học chuyên đề và các cuộc hội thảo song phương (từ 2007-2012) đã được tổ chức giữa hai vườn thực vật của Hoa Kỳ với các Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hóa sinh biển, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (thuộc VAST), cập nhật những dữ liệu mới về nghiên cứu thực vật trên thế giới; sử dụng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại của sinh học phân tử trong việc định loại các loài thực vật khó phân biệt bằng hình thái. Nhiều loài ghi nhận ban đầu cho hệ thực vật Việt Nam cũng như nhiều loài mới cho thế giới đã được các nhà khoa học của VAST và Hoa Kỳ công bố.

Cùng với thúc đẩy quan hệ hợp tác trong đào tạo cán bộ trình độ cao và nghiên cứu khoa học mà các Trường đại học Mít-xi-xi-pi, Mít-xu-ri có thế mạnh của Hoa Kỳ, vài năm gần đây VAST tăng cường hợp tác với nước này về công nghệ vũ trụ (CNVT). Đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Năm 2011, VAST đã ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), bao gồm các nội dung: trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất; xác định vị trí cho hệ thống trắc địa không gian và hệ thống vệ tinh thám hiểm toàn cầu; nghiên cứu các ứng dụng của khoa học Trái đất vì lợi ích con người; vấn đề phát triển nhân lực trong viễn thám và ứng dụng ở Việt Nam.

Tháng 12-2012, ông C.Bonđen, Giám đốc, dẫn đầu đoàn NASA đã đến làm việc với VAST, trao đổi hướng nghiên cứu cùng các cán bộ Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Vật lý địa cầu thuộc VAST. Ông C.Bon-đen đã giao lưu chia sẻ những kinh nghiệm phát triển khoa học và CNVT trong hơn 50 năm qua của Hoa Kỳ. Gần bốn năm trở lại đây, các nhóm nghiên cứu của VAST vẫn tiếp tục cùng NASA triển khai thực hiện hai dự án nghiên cứu về tương tác mây và khí hậu cũng như ô nhiễm khí quyển khu vực Đông - Nam Á.

Theo GS, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST, thì quan hệ hợp tác giữa VAST và NASA đang tiến triển theo hướng thuận lợi, tiếp tục cụ thể hóa các nội dung đã ký trong thỏa thuận khung năm 2011, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng CNVT vào hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đang diễn ra khắc nghiệt ở nước ta... Trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo VAST đã ký Tuyên bố hợp tác KH và CN với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) giai đoạn 2014-2018.

Theo Báo Nhân Dân

lên đầu trang