Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 00:56

Thứ ba, 21/05/2024 | 00:56

Chính sách

Cập nhật lúc 11:26 ngày 22/09/2015

Đổi mới nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Hà Nội

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, gắn với kinh tế tri thức, hoạt động khoa học và công nghệ của Thủ đô cần tiếp tục đổi mới hơn nữa.

Đề tài khoa học nồi hơi cấp nhiệt sử dụng phế liệu nứa vầu được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chuyển giao cho người dân xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Với lợi thế của một địa phương tập trung nhiều trung tâm khoa học lớn của cả nước, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã chủ động tranh thủ các nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức trên địa bàn trong việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học và các hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Sở đã tổ chức hội nghị ba nhà, gồm nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất, kinh doanh để các trường đại học, viện nghiên cứu giới thiệu năng lực nghiên cứu khoa học, các công nghệ thiết bị, kết quả của các đề tài nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận các "đơn đặt hàng" nghiên cứu từ các đơn vị có nhu cầu. Hội nghị đã góp phần gắn kết đội ngũ các nhà khoa học, trí thức trên địa bàn với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đưa các kết quả nghiên cứu khoa học triển khai trong thực tiễn đời sống, tạo sự gắn kết giữa "cung" và "cầu" trong hoạt động nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thành phố đã tập hợp các nhà khoa học có uy tín, các cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các sở, ngành trên địa bàn tham gia Ban chủ nhiệm chương trình khoa học. Hằng năm, Ban chủ nhiệm đã phát huy vai trò tư vấn, phản biện, xét duyệt trong việc lựa chọn đề tài, dự án đưa vào chương trình nghiên cứu khoa học cấp thành phố, bảo đảm mục tiêu và tính khả thi.

Thành phố khuyến khích các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tham gia "đặt hàng" và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn mình quản lý, như xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm sông hồ, bệnh viện; nghiên cứu công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp... Thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, tiếp xúc và làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, các doanh nghiệp và một số trường, viện nghiên cứu trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, trên cơ sở đó, đề xuất những nhiệm vụ khoa học và công nghệ sát với yêu cầu thực tiễn. Đổi mới quy trình quản lý đề tài, dự án, nhất là khâu xét chọn, thẩm định, cấp kinh phí nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đầu vào và rút ngắn thời gian thẩm định, cấp kinh phí... Qua đó, chất lượng và hiệu quả trong công tác xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các đề tài, dự án đã được nâng lên rõ rệt, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố.

Từ năm 2010 đến 2015, các chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố đã triển khai 575 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài ngày càng cao. Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành 15 văn bản, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển khoa học công nghệ. Sở tiến hành thẩm định, đánh giá công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của thành phố. Thẩm định công nghệ 115 dự án đầu tư trong các lĩnh vực xử lý chất thải, hiện đại hóa các cơ sở y tế, các dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có những dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như công trình Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200 nghìn m3/ngày đêm.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) theo công nghệ đốt không phát điện; Dự án Nhà máy xử lý rác Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày; Xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Hà Nội... Tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp mới giấy chứng nhận hoạt động khoa học công nghệ cho hơn 200 tổ chức, cấp lại cho gần 130 tổ chức; thẩm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 50 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật; tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ cho 21 doanh nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho gần 190 tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Hoàn thành xây dựng, tạo lập và phát triển nhãn hiệu tập thể "Tranh thêu Thường Tín", "Sữa bò Ba Vì", "Nón Chuông" huyện Thanh Oai, "Bưởi tôm vàng" huyện Đan Phượng, "Nhãn chín muộn" huyện Hoài Đức, "Rau hữu cơ" huyện Sóc Sơn, "Mây tre đan Phú Nghĩa" huyện Chương Mỹ... Việc triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề đã góp phần phát triển thương hiệu, gìn giữ, phát huy giá trị của các sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp của làng nghề truyền thống trong quá trình hội nhập.

Về định hướng phát triển khoa học công nghệ Thủ đô trong thời gian tới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, ngành sẽ tập trung phát huy những lợi thế của Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khai thác tiềm năng đội ngũ trí thức, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các sản phẩm; tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Theo Báo Nhân Dân

lên đầu trang