Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 17:51

Thứ hai, 29/04/2024 | 17:51

Chính sách

Cập nhật lúc 08:36 ngày 09/03/2021

Đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản – thực phẩm Việt Nam

Trong những năm qua, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn ở mức cao, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, nông sản của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường tiêu thụ quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia hội nhập vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 
Bên cạnh những cơ hội tốt để phát triển, ngành Nông sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực, trong đó thương mại biên giới đang chịu ảnh hưởng lớn nhất khi nông sản xuất khẩu bị ùn ứ bởi chính sách biên mậu thay đổi do dịch bệnh gây ra. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho kênh xuất khẩu hàng Việt Nam.
Từ thực trạng trên, ThS. Nguyễn Thảo Hiền, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương đã  “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản – thực phẩm Việt Nam thông qua một số hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới”.  Nghiên cứu rất cần thiết và có ý nghĩa đối với thực tiễn phát triển xuất khẩu nông sản – thực phẩm của Việt Nam sang các nước.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đầu tư)
ThS. Nguyễn Thảo Hiền cho biết, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện các nội dung về cơ sở lý luận, làm rõ hơn các đặc điểm và tiêu chí đánh giá hoạt động xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại. Đồng thời, bổ sung đánh giá về khả năng đáp ứng của hàng hóa nông sản Việt để đưa vào hệ thống phân phối hiện đại sau khi tập trung phân tích thuận lợi - hạn chế và các vấn đề đặt ra đối với hình thức xuất khẩu này. 
Từ kết quả phân tích và đánh giá thực tế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam thông qua một số hệ thống phân phối hiện đại; kết cấu và cụ thể hóa các nhóm giải pháp đối với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Theo đó, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, quan tâm đầu tư bảo quản chất lượng của sản phẩm ngay từ lúc nông dân thu hoạch, và tổ chức sản xuất sao cho giá thành thấp nhất. Tăng cường đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu nông sản, coi trọng đăng ký thương hiệu, thiết kế nhãn mác và mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, đảm bảo sản phẩm có thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài, các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ xuất khẩu qua kênh bán lẻ hiện đại thông qua hệ thống siêu thị, thương mại điện tử. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các hệ thống phân phối nước ngoài để tạo điều kiện giúp hàng Việt lan tỏa trên thị trường nước ngoài.
Nghiên cứu mang tính cấp thiết và tính thực tiễn cao khi kịp thời cập nhật các tác động và xu hướng mới do dịch bệnh Covid-19 đối với hệ thống phân phối hàng hóa nói chung và nông sản thực phẩm nói riêng. Từ đó, hỗ trợ tìm ra hướng đi mới hiệu quả cho tiêu thụ các sản phẩm nông sản – thực phẩm trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về xuất khẩu của Việt Nam.
Các đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản – thực phẩm Việt Nam do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương thực hiện đã đóng góp vào nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách như các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý tại địa phương; các tổ chức và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa; các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại.
ThS. Nguyễn Thảo Hiền cho biết thêm, thời gian tới Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, biên tập, chuyển thể thành các ấn phẩm hoặc cẩm nang hướng dẫn về xuất khẩu, phân phối hàng hóa nông sản thực phẩm, phát hành đến các đơn vị trong Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước tại các Bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm.
Mai Anh

lên đầu trang