Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:00

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:00

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 11:44 ngày 25/10/2015

Tổng công ty Ba Son: Làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại

Tổng công ty Ba Son trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng – Bộ Quốc phòng, là doanh nghiệp quốc phòng – an ninh có nhiệm vụ chính trị là đóng mới, sữa chữa và bảo đảm kỹ thuật tàu quân sự, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Từ một cơ sở đóng và sửa chữa tàu nhỏ được thành lập năm 1863, đến nay Ba Son đã làm chủ công nghệ đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự hiện đại, trở thành đơn vị có năng lực đóng và sửa chữa tàu hàng đầu Việt Nam.

Cán bộ, kỹ thuật viên nhà máy kiểm tra hệ thống điều khiển trên tàu 

Đóng thành công tàu quân sự hiện đại

Sau 10 năm chuẩn bị, cử cán bộ nhận chuyển giao công nghệ tại Nga và sau 4 năm thi công, với sự nỗ lực của hàng trăm người thợ và kỹ sư, hai tàu tên lửa Molniya đầu tiên mang tên HQ377 và HQ378 đã hạ thủy thành công và bàn giao cho Quân chủng Hải quân. Hiện Ba Son đang triển khai đóng cặp tàu thứ hai, dự kiến bàn giao trong quý II/2015, cặp tàu thứ 3 được bàn giao trong quý II/2016.

Tàu tên lửa Molniya – một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện thiết kế Hải quân Almaz – Liên Bang Nga thiết kế.

Đây là loại tàu chiến tên lửa cao tốc hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt, lần đầu tiên được đóng mới ở Việt Nam. Tàu có chiều dài 56,9m, chiều rộng 13m, lượng giãn nước 560 tấn, tính năng đi biển rất cao với vận tốc đạt gần 70km/h. Tàu có tính cơ động cao, hệ thống chỉ huy tác chiến điện tử, vũ khí, khí tài hiện đại, hỏa lực mạnh, có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên không và trên biển. Ngoài hệ thống radar bám sát mục tiêu hiện đại đảm bảo độ chính xác trong phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, Molniya còn được lắp đặt hệ thống phóng 16 tên lửa đối hải Uran –E tầm bắn 130km. Tàu được trang bị pháo tự động. Đây là loạt tàu tên lửa đa năng, cơ động, hiện đại nhất được đóng ở trong nước.

Việc đóng thành công hai tàu tên lửa Molniya hiện đại đầu tiên được đánh giá là bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam nói chung và Tổng công ty Ba Son nói riêng, là sự khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ kỹ thuật đóng tàu quân sự hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần tiết kiệm ngân sách, đồng thời xây dựng, đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghê nhiều kinh nghiệm chuyên môn, nhất là việc làm chủ công nghệ, trang thiết bị, vũ khí, khí tài hiện đại trong đóng mới tàu quân sự hiện đại.

Bên cạnh chương trình đóng tàu tên lửa, trong những năm qua, Tổng công ty Ba Son cũng triển khai đóng các tàu tuần tra, tàu trinh sát, tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu kéo cho Hải quân và cảnh sát biển Việt Nam.

Làm chủ công nghệ hàn titan trong đóng tàu quân sự

Titan và hợp kim titan có đặc tính cơ học ưu việt nên được sử dụng nhiều trong công nghệ đóng tàu quân sự. Trong quá trình gia công cơ khí, đặc biệt là hàn titan cần phải tuân thủ qui trình công nghệ đặc thù và phức tạp. Khó khăn khi hàn titan là ở nhiệt độ cao từ 7000 độ C trở lên, titan dễ hút các loại khí trong môi trường, dẫn đến xuất hiện sự kết tinh trở lại làm cho cơ tính vật liệu giảm đi rõ rệt. Ở thể lỏng, hợp kim titan hút tạp chất rất nhạy, nếu tạp chất trộn lẫn vào mối hàn, dù với một lượng nhỏ cũng gây cho mối hàn bị giòn, dẫn đến nứt. Hơn nữa khi mối hàn titan bị khiếm khuyết rất khó sửa chữa và chỉ được sửa chữa một lần.

Trong ngành công nghiệp đóng tàu nước ta, đặc biệt là công nghiệp đóng tàu quân sự, công nghệ hàn titan thường do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm, ảnh hưởng đến sự chủ động tiến độ thực hiện nhiệm vụ và chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng. Với quyết tâm làm chủ công nghệ hàn titan, Kỹ sư Thái Văn Chân và các cán bộ kỹ thuật của Tổng công ty Ba Son đã nghiên cứu thành công ứng dụng công nghệ hàn hợp kim titan trong đóng tàu chiến và nghiên cứu hoàn thiện các thiết bị cơ khí hóa, tự động hóa trong hàn titan. Qua thử nghiệm và ứng dụng thực tế, sản phẩm đều đạt chất lượng cao, ổn định, đảm bảo yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn tính năng kỹ thuật, chiến thuật đặt ra.

Ứng dụng thành công công nghệ hàn titan đã giúp Ba Son không chỉ chủ động trong sản xuất, khắc phục sự lệ thuộc chuyên gia nước ngoài, mà còn nâng cao năng lực công nghệ, đưa trình độ đóng tàu quân sự của nước ta lên trình độ mới.

Đẩy mạnh hợp tác và đào tạo làm chủ công nghệ

Từ 2007 đến nay, Ba Son đã cử gần 30 đoàn với hơn 200 CBCNV sang Nga để học tập, tiếp thu công nghệ đóng tàu quân sự. Thông qua sự hợp tác với đối tác Nga, đội ngũ CBCNV Ba Son đã từng bước làm chủ công nghệ đóng và sữa chữa tàu hiện đại. Hiện nay Ba Son có đội ngũ trên 2.000 CBCNV, trong đó hơn 300 kỹ sư được đào tạo ở Nga, Ba Lan, Ucraina. Đội ngũ thợ thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ của các công ty đăng kiểm quốc tế, đo đó chất lượng sản phẩm đảm bảo giữ uy tín với khách hàng.

Ngoài việc đóng tàu quân sự, Tổng công ty Ba Son có khả năng đóng tàu dân sự có trọng tải 11 ngàn tấn và có thể sửa chữa hoán cải các tàu hàng với thiết kế có lượng dãn nước đến 15 ngàn tấn. Ba Son có khả năng  sửa chữa tại Công ty loại tàu biển có trọng tải đến 16 ngàn tấn và sửa chữa ngoài khơi các loại tàu có trọng tải đến 150 ngàn tấn. Với năng lực hiện tại, Ba Son có thể tiếp nhận sửa chữa được hơn 70 các loại tàu trong một năm. Trong những năm qua, Ba Son đã thực hiện đóng được trên 40 xà lan xuất khẩu và đóng các tàu vận tải 6 ngàn tấn và 6,8 ngàn tấn. Hiện nay Ba Son có thị trường đóng và sửa chữa tàu biển ở các nước như Nga, Đan Mạch, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan và hàng chục bạn hàng trong nước.

Trong những năm tới, năng lực của Ba Son tiếp tục được nâng cao do được đầu tư hiện đại hóa công nghệ tại vị trí mới ở Thị Vải -Vũng Tàu. Dự kiến Nhà máy đóng tàu cuả Ba Son tại Vũng Tàu được thiết kế để đóng tàu chuyên dụng, ụ nổi có trọng tải 10.000 tấn, có khả năng đóng 3-4 chiếc/năm và sửa chữa tàu biển có trọng tải đến 10.000 tấn, các loại xà lan đến 15 ngàn tấn, với công suất 30-40.000 chiếc/năm.

                                                                                                         Hưng Nguyên

lên đầu trang