Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 19:21

Thứ hai, 29/04/2024 | 19:21

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:32 ngày 21/03/2021

Phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế

Theo Bộ Công Thương, quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bộ Công Thương vừa tổng hợp các ý kiến góp ý chính đối với Quy hoạch điện VIII và ý kiến giải trình của đơn vị Tư vấn lập Quy hoạch điện VIII theo quy định tại Luật Quy hoạch.
Quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW
Tiếp thu ý kiến về các tồn tại của năng lượng tái tạo
Một số ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy hoạch điện VIII có bày tỏ sự lo ngại về việc đưa ra nội dung các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%). Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...
Do đó, cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tư vấn tiếp thu ý kiến về các tồn tại của năng lượng tái tạo và cho rằng nên phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. “Quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW”- Dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ ra.
Cụ thể, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong Nghị quyết 55/NQ-TW là tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp, mức tỷ lệ này tương ứng với tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045. Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 định hướng đến 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) đạt 32% năm 2030 và 43% năm 2050.
Khi đưa ra chính sách về mục tiêu năng lượng tái tạo là tỷ lệ thấp nhất phải đạt được. Mô hình quy hoạch lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo vượt mức thấp nhất, chứng tỏ chi phí đầu tư của nguồn năng lượng tái tạo dự báo trong tương lai thấp, việc tăng cường phát triển năng lượng tái tạo hơn so với mục tiêu vẫn đảm bảo là phương án nguồn điện có chi phí thấp nhất.
Với góp ý về việc cần ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền để tránh xây dựng quá nhiều lưới điện truyền tải, tư vấn cho biết, việc ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền là một trong những tiêu chí của bài toán quy hoạch điện. Điều này đã được tính đến trong hàm mục tiêu tối thiểu hóa chi phí của mô hình quy hoạch nguồn điện, trong đó có tích hợp cả nguồn điện và lưới điện truyền tải liên vùng.
Các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 có công nghệ tiến bộ vượt bậc
Một số địa phương có đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Trả lời nội dung này, Bộ Công Thương cho biết, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng. Bởi, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt mà không thể loại bỏ. Đơn cử như Nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II.... Sau năm 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.
Tuy nhiên, trong Quy hoạch điện VIII đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ như sau: trong giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng công nghệ nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên, giai đoạn từ 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn (USC) trở lên và sau năm 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến (AUSC).
Bên cạnh đó, tư vấn cho biết, để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng, ngoài ra chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều.
Trong khi đó, công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, với công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lên đến > 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng đạt hiệu suất cao tương ứng có thể xử lý để giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhiều dự án còn nằm gần các đô thị lớn như ở Úc, Nhật Bản, Đức.
Thực tế cho thấy, phát thải từ nhà máy hiện được kiểm soát bởi hai lớp tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nguồn thải quy định nồng độ phát thải khí thải tại nguồn và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh áp dụng để kiểm soát nồng độ phát thải các loại khí thải trong không khí xung quanh nên phát thải ở mức rất thấp và được kiểm soát bằng hệ thống giám sát tự động về các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Do đó, nồng độ các khí thải sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến sức khỏe con người.
Trước đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 828/BCT-ĐL gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đối với Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tổ chức thu thập thông tin, phân tích và đánh giá số liệu nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học và cập nhật. Bộ cũng đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, doanh nghiệp và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và điện.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang