Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:04

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:04

Giải thưởng

Cập nhật lúc 15:53 ngày 25/03/2021

Thiết kế thành công giàn tự nâng 120 mét làm lợi 38 triệu USD cho ngành dầu khí

Từ giữa năm 2012, đội ngũ kỹ sư của Việt Nam mà trực tiếp là các kỹ sư của Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard)  đã đưa nước ta trở thành một trong số rất ít nước đủ năng lực chế tạo giàn khoan  khi giàn khoan tự nâng (GKTN). Cụ thể GKTN 90m nước Tam Đảo 03 đã được thiết kế chi tiết và chế tạo, thi công tại Việt Nam.

Giàn khoan tự nâng 90m nước (tương đương 300 ft) Tam Đảo 03 được coi là công trình trọng điểm quốc gia và là công trình đầu tiên về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn. Đây là công trình có tính chất kỹ thuật công nghệ dạng đặc biệt về thiết kế; có kích thước siêu trường, siêu trọng, mức độ phức tạp và tính liên ngành cao.

Nối tiếp thành công này, đồng thời với mong muốn đạt được mục tiêu làm chủ hoàn toàn công tác thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí di động (GKDKDĐ) và nghiên cứu giải quyết các vấn đề giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m chưa làm được, dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft (120m) phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng" (gọi tắt là Dự án khoa học & công nghệ 02 - DA KHCN 02) đã được Công ty Cổ phần Chế tao Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) chủ trì thực hiện.
Dự án gồm 07 đề tài KHCN, thực hiện từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 7 năm 2018.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05
DA KHCN 02 đã tập hợp đội ngũ chuyên gia của Việt Nam thay thế các chuyên gia nước ngoài. Để có thể nhận được chứng chỉ đăng kiểm quốc tế, các chuyên gia Việt Nam đã tính toán kiểm tra lại thiết kế cơ sở với số liệu đầu vào giống như thiết kế cơ sở, kết quả tính toán kiểm tra thiết kế cơ sở phải được một cơ quan kiểm định quốc tế độc lập thẩm tra và chấp thuận. Kết quả thẩm định quốc tế giúp cho cơ quan đăng kiểm quốc tế tin vào khả năng của các chuyên gia Việt Nam. Sau khi đã vượt qua thẩm định độc lập, các chuyên gia Việt Nam viết lại trình tự thực hiện thành quy trình và đưa thẩm định độc lập xem xét, chấp thuận. Quy trình đã được chấp thuận được áp dụng để tính toán lại hệ thống kết cấu công trình trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và cung cấp kết quả tính toán để thiết kế chi tiết và chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 theo kết quả tính của DA KHCN 02.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã được đăng kiểm quốc tế, do đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp. Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã được bàn giao cho chủ đầu tư (VietsovPetro) từ Quý IV năm 2016 để phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Cho đến nay Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đang hoạt động ổn định.
DA KHCN 02 tạo ra sản phẩm quốc gia là Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05, với kích thước khối lượng, quy mô lớn hơn nhiều so với giàn tự nâng Tam Đảo 03, có kết cấu thân và chân giàn (với các hệ thống công nghệ và thiết bị trên giàn) phức tạp, và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn, công nghệ phức tạp và hiện đại hơn so với Tam Đảo 03. Tổng khối lượng thi công, lắp đặt của Dự án Tam Đảo 05 gần 18.000 tấn. Chiều cao chân giàn là 167m, giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 122m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 9144m dưới đáy biển, hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12 với những đợt sóng cao đến 20,7m.

Kỹ sư Phan Tử Giang, đại diện tác giả công trình cho biết, nếu như giàn Tam Đảo 03 phải thuê tổng cộng 43.000 giờ làm việc của các chuyên gia nước ngoài thì giàn Tam Đảo 05 đã giảm được thời gian thuê chuyên gia nước ngoài xuống còn 11.000 giờ, nâng cao giá trị nội địa hóa đạt 76 triệu USD, chiếm 39% tổng số 202 triệu USD giá trị công việc.
Thời gian thi công của giàn Tam Đảo 05 chỉ xấp xỉ bằng giàn Tam Đảo 03, trong khi khối lượng thi công lớn gấp rưỡi. Đặc biệt là đã nâng cao được phần thiết bị và nguyên liệu, máy móc mua ở thị trường nội địa, tiết kiệm cho tổng thầu và chủ đầu tư 08 triệu USD. Tổng giá trị tiết kiệm chi phí lên tới 38 triệu USD.

Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu của DA KHCN 02 đã được ứng dụng vào Dự án cải hoán GKTN Tam Đảo 02 từ giàn khoan tự nâng 300ft lên thành giàn khoan tự nâng 400ft. Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 02 sau khi cải hoán, đã được đăng kiểm quốc tế, do đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp, và được bàn giao để phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí từ 2016. Cho đến nay giàn khoan tự nâng Tam Đảo 02 đang hoạt động ổn định.

Thành công của dự án đã tạo việc làm cho khoảng 1500-3000 lao động trong 24-30 tháng và lúc cao điểm có thể huy động trên 3000 nhân công, góp phần tạo sự ổn định và phúc lợi xã hội.

Các thành quả trên là tiền đề cho việc củng cố năng lực thiết kế, chế tạo, quản lý dự án, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từ đó, hình thành nền công nghiệp cơ khí hàng hải và dịch vụ dầu khí, củng cố uy tín, thương hiệu để PV Shipyard từng bước hợp tác với các đối tác quốc tế thực hiện các dự án đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng giàn khoan tự nâng trong thời gian tiếp theo.
Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) được thành lập từ năm 2007 bởi các cổ đông chiến lược: Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam, Tổng Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí (PTSC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). Cùng sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PV Shipyard đã ra đời nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trở thành đơn vị tiên phong trong việc phát triển lớn mạnh ngành cơ khí chế tạo dầu khí tại Việt Nam.
 
Với những thành tựu về khoc học - công nghệ và hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại, Công ty cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard)- Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đề xuất Bộ Công Thương xét công trình “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng” tham gia xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6.
 
Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm nay sẽ tiến hành làm việc từ tháng 4 tới giữa tháng 7, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 8 năm 2021. 
Hà Trần
lên đầu trang